Các siêu nhà máy sản xuất pin ô tô 'nở rộ' khắp châu Â
Báo Le Monde (Pháp) cho biết, do quyết định cấm bán động cơ nhiệt sau năm 2035, châu Âu bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất pin ô tô ở khắp mọi nơi, dẫn đến nguy cơ dư thừa công suất.
Việc chủ động trong công nghiệp sản xuất pin ô tô đã trở thành “nỗi ám ảnh” của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire từ năm 2008. Trong những năm qua, ông đã rất tích cực hợp tác với Đức và hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) trong việc tạo điều kiện cho các nước thành viên EU hỗ trợ tài chính cho nhiều dự án nhà máy sản xuất pin mà không vi phạm các quy định cấm trợ cấp nhà nước hiện hành.
Kể từ đó, các dự án quy mô (gigafactory) dành riêng cho sản xuất pin có công suất vài Gigawatt giờ (GWh) đã phát triển mạnh ở khắp châu Âu. Theo Alexandre Marian, chuyên gia tại trung tâm tư vấn chiến lược của Alix Partners, nếu nhìn về tương lai đến năm 2030, năng lực sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 60-65% năng lực sản xuất toàn cầu, trong khi châu Âu sẽ tăng lên 20% và Bắc Mỹ là 15-20%.
Năm 2022, EU là nơi có những nỗ lực lớn nhất trong việc khắc phục sự tụt hậu so với các khu vực khác nhờ quyết định cấm bán động cơ đốt trong sau năm 2035. Trong khi đó, Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) vào tháng 8/2022. Cùng với nỗ lực của Canada, khu vực Bắc Mỹ muốn đi nhanh hơn nữa trong việc chuyển đổi công nghiệp xanh. Trong bối cảnh như vậy, quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Dunkirque của tập đoàn Đài Loan (Trung Quốc) ProLogium – đối tác phát triển công nghệ pin thể rắn với Mercedes – đã được dư luận Pháp “hoan nghênh nhiệt liệt”. Nguồn tin ở Bộ Kinh tế Pháp cho rằng dự án này mang một ý nghĩa kép, vừa có lợi cho châu Âu trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, vừa giúp Pháp cạnh tranh với các nước khác tại châu Âu.
Về tổng thể, ProLogium dự định đầu tư 5,2 tỷ euro vào Dunkirque đến năm 2030 để đạt công suất hàng năm là 48 GWh, đủ để trang bị cho hàng trăm nghìn ô tô. Tập đoàn hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2026 và tăng tốc trong vài năm, tạo 3.000 việc làm trực tiếp và 12.000 việc làm gián tiếp. Ngoài dự án của ProLogium ở Dunkirque, trước đó Pháp còn ba dự án “gigafactory” khác ở miền Bắc đã được công bố: Một dự án liên doanh giữa Stellantis, TotalEnergies và Mercedes ở Douvrin, dự án thứ hai ở Douai do tập đoàn Envision của Trung Quốc đầu tư và thứ ba cũng ở Dunkirk do công ty khởi nghiệp Verkor của Pháp bỏ tiền xây dựng.
Tuy nhiên, liệu sự xuất hiện của tập đoàn ProLogium có giúp Pháp vươn lên vị trí hàng đầu trong các nhà sản xuất pin ở châu Âu? Theo Jamel Taganza thuộc trung tâm Inovev (Pháp) chuyên tư vấn về công nghiệp ô tô, với những gì đã được thông báo tại “Lục địa già”, tính đến năm 2030, Đức, Tây Ban Nha, Hungary và Thụy Điển có lẽ sẽ đi trước một bước dài. Taganza cũng cho biết tính đến thời điểm này, hàng loạt dự án mọc lên cùng lúc thậm chí còn gây nguy cơ dư thừa công suất ở châu Âu: “Theo dự báo bán hàng vào năm 2030 của chúng tôi, toàn ngành công nghiệp sẽ cần 350 GWh, trong khi tổng công suất được công bố hiện nay đã lên tới 665 GWh”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết, bởi trên thực tế, châu Âu vẫn còn cách xa “chân trời” này. Hiện tại, theo chuyên gia Pháp, việc sản xuất pin ở châu Âu của các nhà máy châu Âu hầu như vẫn chưa được bắt đầu. Năm 2022, mới có 4 nhà sản xuất được phân bổ ở ba quốc gia, trong đó lớn nhất là LG Chem ở Ba Lan (trang bị pin cho mẫu xe Zóe của Renault), tiếp theo là Samsung SD và SK Innovations đều ở Hungary, và cuối cùng là Envision AESC ở Anh (cung cấp cho Nissan và Renault). Nhà máy Northvolt của Thụy Điển, được xây dựng năm 2015, cũng mới đi vào sản xuất nhưng chỉ với số lượng rất hạn chế.
Bên ngoài nước Pháp, một số dự án đã dừng giữa chừng, chẳng hạn công ty khởi nghiệp Britishvolt của Anh đã ngừng hoạt động do phá sản đầu năm nay và được bán lại cho một công ty của Australia. Người Anh hiện muốn có một nhà máy sản xuất pin có sự hợp tác của Tata Motors, chủ sở hữu thương hiệu Jaguar Land Rover, nhưng tập đoàn Ấn Độ lại đang cân nhắc bắt tay với một đối tác ở Tây Ban Nha. Trong khi đó, tập đoàn Farasis Energy của Trung Quốc, định xây một nhà máy ở Đức, đã mất đi sự ủng hộ của Daimler (Mercedes). Taganza cho rằng pin ô tô “là một thị trường mới, công nghệ mới, vật liệu mới, có sự cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, có rủi ro cũng là điều bình thường”.
Trong một bối cảnh như vậy, các dự án tương lai được công bố ở Pháp sẽ có một số lợi thế. Trước hết, các nhà máy sẽ được hưởng ưu thế tập trung về mặt địa lý do nhờ quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ nước này. Nhờ vậy, tất cả các dự án liên quan tập trung một chỗ sẽ tạo thành một hệ sinh thái thực sự cho công nghiệp ô tô điện ở miền Bắc nước Pháp. Tất cả đều có đối tác công nghiệp để có thể giảm chi phí sản xuất. Từ sự hấp dẫn này, công ty khởi nghiệp Verkor đã ký một thỏa thuận dài hạn với Renault vào giữa tháng 4/2023.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Roland Lescure, các đối tác này có thể tiếp cận nguồn năng lượng ít carbon do nằm gần nhà máy điện hạt nhân và các lò phản ứng EPR tương lai, ngoài ra còn có các tua-bin điện gió ngoài khơi. Chính ưu thế này đã dẫn đến quyết định đầu tư của tập đoàn ProLogium.
Bộ trưởng Roland Lescure cũng cho biết, Pháp đã ra mắt một quỹ dành cho sản xuất các kim loại chiến lược, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái bằng cách hỗ trợ cung cấp cobalt, nickel, mangan, lithium và các kim loại hiếm khác đang bùng nổ về nhu cầu cho các nhà máy châu Âu. Nhà nước sẽ cung cấp 500 triệu euro và tập đoàn InfraVia được quyền quản lý quỹ sẽ huy động 1,5 tỷ euro từ các đối tác nhân tư nhân để đạt được 2 tỷ euro đầu tư, chẳng hạn vào các dự án khai thác mỏ.
Cuối cùng, Tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị công bố một số điều khoản sửa đổi về tiền thưởng sinh thái trong “dự luật công nghiệp xanh” được trình bày trước Hội đồng Bộ trưởng vào giữa tháng Năm này. Ông muốn khoản thưởng này tính đến dấu ấn sinh thái của công nghiệp ô tô nhiều hơn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-sieu-nha-may-san-xuat-pin-o-to-no-ro-khap-chau-a/291263.html