Các tác phẩm nổi bật của Kazuo Ishiguro
Tờ Guardian đưa ra những gợi ý cho độc giả muốn tiếp cận thế giới văn chương của Kazuo Ishiguro.
Tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả được giới phê bình đánh giá cao nhất hiện nay. Ông đã giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Booker, giải Whitbread... và đặc biệt là giải Nobel Văn chương năm 2017.
Cây viết David Sexton của Guardian gợi ý một số tựa sách hay cho những người lần đầu tiếp cận thế giới văn chương của Ishiguro.
Điểm khởi đầu - The remains of the day
Hai tiểu thuyết đầu tay của Ishiguro là Cảnh đồi mờ xám và Một họa sĩ phù thế là những câu chuyện xuất phát từ cảm giác mất cội nguồn của nhà văn. Ishiguro cùng gia đình chuyển đến Anh sinh sống từ khi ông mới 5 tuổi. Suốt gần 30 năm sau, họ không về Nhật Bản lần nào. Ngay cả khi ông đã là một nhà văn có tiếng.
Hai tác phẩm này, Ishiguro viết nên những nhân vật nhìn lại cuộc đời mình trong sự bối rối và nuối tiếc. Hai tác phẩm này có cùng chủ đề và đều mang tính bổ sung cho nhau.
Nhưng theo David Sexton, chính tác phẩm thứ ba trong nỗ lực viết về chủ đề mất mát cội nguồn - Tàn ngày để lại - mới là tác phẩm phù hợp nhất cho độc giả mới bắt đầu đọc Ishiguro.
Cuốn sách lấy bối cảnh hoàn toàn ở Anh vào những năm 1950. Nhân vật chính là quản gia Stevens, một người tin vào "phẩm giá", luôn nhớ về quãng đời phục vụ cho một người chủ khác (người mà sau dần độc giả sẽ nhận ra là một kẻ theo Đức Quốc xã). Sự tận tụy không đúng chỗ của Stevens đã khiến ông mất đi cơ hội được yêu thương. Cho đến khi ông nhận ra thì đã quá muộn màng.
Tàn ngày để lại vừa hài hước, vừa nao lòng, hay như nhà văn Salman Rushdie đã nhận xét: "đẹp đẽ và tàn độc". Cuốn sách đã giành giải Booker và được chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh thành công, có sự tham gia diễn xuất của Anthony Hopkins và Emma Thompson, giành được tám đề cử Oscar.
Ishiguro thừa nhận rằng trên thực tế, ông đã viết cùng một cuốn tiểu thuyết ba lần, ngày càng tiến gần hơn đến diễn ngôn ông chủ định. Kết quả là một cuốn sách hoàn hảo theo cách riêng của nó.
Lựa chọn thử thách - The Unconsoled
Sau khi đã hoàn thành mục đích của mình với ba cuốn tiểu thuyết kể trên, Ishiguro sáng tác The Unconsoled (tạm dịch: Không nguôi). Cuốn sách kể về một nhân vật anh hùng ở giữa trạng thái bối rối. Đó là Ryder, một nhạc sĩ, đến tổ chức hòa nhạc tại một nơi ở trung tâm châu Âu và gặp phải nhiều biến cố khó hiểu. Câu chuyện trong tiểu thuyết tựa như một giấc mơ, trong đó thời gian, địa điểm và danh tính liên tục thay đổi.
Giới phê bình đã rất kinh ngạc trước tác phẩm này. Nhà phê bình James Wood của tờ Guardian còn nói rằng cuốn sách đã "phát minh ra một loại hình dở tệ riêng". Nhưng thực chất, cuốn sách là một diễn ngôn triệt để của Ishiguro về nhận thức sâu sắc rằng không ai trong chúng ta thực sự biết mình đi đâu, về đâu trong đời.
Dần dần, người ta đang nhìn nhận lại tác phẩm này và coi nó như một kiệt tác bị hiểu lầm, một tác phẩm của Kafka giữa thời hiện đại.
Lựa chọn kỳ lạ - The buried giant
Suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Ishiguro đã biến hóa chất văn của mình vào các thể loại quen thuộc như hài, trinh thám... Người khổng lồ ngủ quên được đánh giá là khá kỳ quái, một tác phẩm sinh sau đẻ muộn của văn học thời Arthur.
Sách đặt bối cảnh tại nước Anh vào khoảng năm 450, rất lâu sau khi người La Mã rời đi. Một cặp vợ chồng già, Axl và Beatrice, lên đường tìm kiếm đứa con trai đã thất lạc từ lâu mà họ không còn nhớ rõ nữa và sau nhiều lần thử thách, họ bước vào vùng đất của một con rồng thở ra một màn sương gây lãng quên. Phải chăng đây là một điều tốt? Theo một nhân vật hiệp sĩ trong sách, nếu con rồng bị giết, một "người khổng lồ ngủ quên" sẽ thức dậy, giải phóng những ký ức khủng khiếp.
Con gái của Ishiguro khi đọc bản thảo đầu tiên đã nói với cha rằng lần này ông đã đi quá xa rồi. Vậy là, Ishiguro đã phải viết đi viết lại tác phẩm. Đây là một câu chuyện lãng mạn đặc biệt, có một vẻ đẹp rất riêng. Khi nhận xét về tác phẩm này, Ishiguro chỉ nói: "Bản chất của câu chuyện không nằm ở bối cảnh".
Cuốn sách hậu Nobel - Klara and the Sun
Nhà văn TS Eliot từng nói sau khi đoạt Nobel năm 1948: "Giải Nobel là tấm vé đến đám tang của chính mình".
Tiểu thuyết Klara and the Sun được xuất bản vào năm 2021 và không cho thấy dấu hiệu nào rằng Ishiguro sẽ dừng lại. Người kể chuyện lần này (các tiểu thuyết của Ishiguro đều được kể ở ngôi thứ nhất) là Klara, một Người bạn Nhân tạo chạy bằng năng lượng Mặt trời, ngây thơ nhưng tinh ý, nỗ lực hết mình để chăm sóc cô gái người thật bạn cô.
Giống các tác phẩm khác của Ishiguro, sách được viết bằng ngôn ngữ trung lập, nhẹ nhàng, không bao giờ đề cập cụ thể những sự kiện then chốt, dù vậy, độc giả có thể tự cảm nhận và xót xa cho nhân vật.
Cuốn nhất định nên đọc - Never let me go
Thoạt nhìn, Mãi đừng xa tôi là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, kể về những người nhân bản, được nuôi dưỡng với một mục đích duy nhất - hiến tạng đến chết cho con người. Câu hỏi đặt ra là ta sống thế nào khi biết mình chỉ có thời gian hạn chế và không thể thoát khỏi bản án tử hình.
Nhân vật chính, Kathy, 31 tuổi, là "người chăm sóc" cho những người nhân bản đến hạn hiến tạng trước cô. Định mệnh của cô cũng là trở thành "người hiến tạng" và "hoàn thành" sớm. Trong sách, cô kể về những gì quan trọng với cô trong cuộc sống, về tình bạn, tình yêu và những nỗi thất vọng.
Mãi đừng xa tôi là một cuốn sách gây bất an sâu sắc. Cây viết David Sexton cho biết sau khi đọc sách lần đầu, ông đã bị ám ảnh và thường xuyên mơ về thế giới trong sách. Tuy vậy, Mãi đừng xa tôi không phải là một câu chuyện kinh dị.
Ishiguro thậm chí còn khẳng định rằng đây là cuốn sách "tươi sáng nhất" của ông, rằng ông “cố gắng tôn vinh sự đứng đắn nhỏ nhặt của con người trong bối cảnh đen tối của cuộc sống”.
David Sexton là giám khảo Giải Booker năm 2005, cho rằng tác phẩm này mới là người chiến thắng xứng đáng của mùa giải năm đó.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-tac-pham-noi-bat-cua-kazuo-ishiguro-post1436176.html