Các tầng lớp nhân dân xúc động tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Sáng 25/5, Lễ truy điệu đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, quê hương của đồng chí.

Nghi thức rước ảnh nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, bắt đầu lễ di quan. Ảnh: TTXVN
Ngay từ sáng sớm, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã có mặt tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia với mong muốn được tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Nhà lãnh đạo mẫu mực, trọn đời vì nước vì dân, về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đứng chờ tại cổng Nhà Tang lễ Quốc gia từ 7 giờ sáng, ông Dương Trọng Liêm (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động bày tỏ, không có lời tiễn biệt nào đủ để nói hết nỗi niềm tiếc thương, hình ảnh và tinh thần của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ còn mãi trong trái tim.
Trong nền nhạc trầm buồn của 'Hồn tử sĩ', lòng người dân như cùng lắng lại. Phía bên ngoài Nhà Tang lễ Quốc gia, những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh trật tự xếp hàng, đôi mắt hướng về phía trong với ánh nhìn lặng buồn. Không khí nơi đây như ngưng đọng lại, nghẹn ngào và thiêng liêng. Những trái tim như đang cùng chung một nhịp, nhịp tri ân, nhịp tưởng nhớ về một người cách mạng kiên trung có lối sống giản dị, gần dân vì dân, một nguyên thủ quốc gia để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Có mặt trong dòng người chờ đưa tiễn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trên đường Lê Thánh Tông, bà Tạ Thị Xuân, quê xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (hiện trú tại phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) xúc động chia sẻ: "Tuy chưa được gặp nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhưng tôi luôn thấy nguyên Chủ tịch nước là một người gần gũi với dân, nhà lãnh đạo kỹ trị đáng kính, mẫu mực, nhà khoa học xuất sắc suốt đời tận tụy vì nước, vì dân. Đặc biệt, là một người con Quảng Ngãi, khi biết tin nguyên Chủ tịch nước từ trần, tôi đã đến đây bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tôi cũng muốn đi theo linh cữu để tiễn biệt một người con kiên trung của quê hương Quảng Ngãi suốt đời vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Gần 8 giờ, đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bắt đầu chuyển bánh trong tình cảm lưu luyến, ngập tràn xúc động của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương di chuyển qua các tuyến đường như: Lê Thánh Tông, khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ... Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp. Sau đó, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được chuyển lên máy bay tại sân bay Nội Bài để di quan về an táng tại Nghĩa trang quê nhà, xã Phổ Khánh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), quê hương của nguyên Chủ tịch nước.
Trong không khí nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn, nhiều người đã không kìm được nước mắt khi dõi theo đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tiến sỹ Nguyễn Văn Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) xúc động chia sẻ: "Điều đáng trân quý ở ông không chỉ là trí tuệ, mà còn là đạo đức và tinh thần cống hiến cho dân, cho nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông sống giản dị, gần gũi với nhân dân, không ngừng trăn trở vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Từng lời nói, hành động của ông đều xuất phát từ tấm lòng tận tụy, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Xin nghiêng mình tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương".

Đoàn xe chuyển linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi qua Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: TTXVN
Từ 7 giờ sáng 24/5 đến 7 giờ sáng 25/5, đã có 428 đoàn với 3.604 lượt khách đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Hội trường Thống Nhất.
Em Nguyễn Ngọc Mỹ Kỳ, học sinh trường Trung học cơ sở Hai Bà Trưng (Quận 3) cho biết, đến viếng tại Hội trường Thống Nhất, em cảm thấy vô cùng biết ơn những đóng góp to lớn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho sự nghiệp cách mạng, một tấm gương sáng về học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. “Em nguyện sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập, tiếp tục rèn luyện noi gương nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để trở người công dân tốt, đóng góp sức vào sự phát triển của đất nước”, Mỹ Kỳ nói.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Sỹ Đan, sinh viên trường Đại học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ: “Noi gương nhà lãnh đạo, chúng em nguyện sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành những người trẻ có ích cho xã hội, tích cực tham gia các phong trào xã hội, thiện nguyện đóng góp một phần sức lực vào công tác an sinh xã hội, năng động sáng tạo cùng góp sức đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Quảng Ngãi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tình cảm của người dân dành cho ông xuất phát từ sự quan tâm đặc biệt và những hành động thiết thực mà ông đã dành cho bà con. Tại lễ truy điệu ở quê nhà, nhiều người dân đã đến dự, bày tỏ lòng thương tiếc vị lãnh đạo đáng kính.
Ông Phạm Viết Nho, Trưởng đoàn Người uy tín tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Mỗi lần nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, ông không chỉ lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con, mà còn động viên và tìm hiểu những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Sự gần gũi, giản dị ấy đã xóa đi khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân, tạo nên một sợi dây gắn kết bền chặt. Đối với chúng tôi, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là một vị Chủ tịch nước, mà còn là một người bác, một người thân. Sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được thể hiện qua những chính sách, chủ trương cụ thể nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên Chủ tịch nước là người rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Bác nhiều lần về thăm đồng bào tại Quảng Ngãi, động viên bà con nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tôi rất quý mến bác".