Các tập đoàn Mỹ hối thúc ông Biden, Quốc hội thận trọng khi trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa cảnh báo sẽ áp các biện pháp trừng phạt nặng với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin quyết định tấn công Ukraine. Tuy nhiên, một số tập đoàn lớn và tổ chức đại diện kêu gọi Nhà Trắng và các nghị sĩ thận trọng.
Hội đại diện cho Chevron, General Electric và các tập đoàn Mỹ khác có hoạt động làm ăn ở Nga đề nghị Nhà Trắng xem xét để các công ty hoàn thành cam kết theo hợp đồng và cân nhắc tránh đưa các sản phẩm và dịch vụ của họ trở thành mục tiêu bị trừng phạt. Các công ty năng lượng lớn cũng thúc giục Quốc hội Mỹ giới hạn về quy mô và thời gian trừng phạt.
Chính quyền Biden và Quốc hội cần “xác định đúng các thông tin chi tiết nếu phải áp biện pháp trừng phạt”, Jake Colvin, chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, nói với Reuters.
“Những chi tiết đó bao gồm tính toán bến đỗ an toàn hoặc giai đoạn hạ nhiệt để giúp các công ty hoàn thành hợp đồng và các nghĩa vụ, cũng như các loại thuốc cứu mạng người và những vấn đề nhân đạo khác phù hợp với chính sách lâu dài của Mỹ”, ông Colvin nói.
Các công ty năng lượng Mỹ đã liên lạc trực tiếp với nhiều nghị sĩ để thúc giục phải có giải đoạn “hạ nhiệt” để tài sản của họ không bị tịch thu nếu không thể hoàn thành thỏa thuận với Nga, một trợ lý trong Quốc hội Mỹ nói với Reuters.
Viện Xăng dầu Mỹ, một tổ chức vận động hành lang lớn nhất ở Mỹ trong lĩnh vực xăng dầu, đã thảo luận với các văn phòng của Quốc hội Mỹ về việc trừng phạt Nga. “Việc trừng phạt cần nhắm đúng mục tiêu để hạn chế gây thiệt hại cho năng lực cạnh tranh của các công ty Mỹ”, phát ngôn viên của Viện nói.
William Reinsch, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết việc áp lệnh trừng phạt thường được thực hiện theo giai đoạn, để các công ty có thời gian xử lý xong công việc hoặc bảo đảm hàng được giao đến nơi.
Nhưng trong tình huống hiện nay, các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng đột xuất nếu xảy ra khủng hoảng.
Bộ Tài chính Mỹ trước đây đã có một số biện pháp giảm nhẹ, như cấp giấy cho những người gửi hàng nhân đạo và kiều hối cho Afghanistan dù vẫn trừng phạt chính quyền Taliban.
Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về khả năng làm tương tự với Nga, nhưng khẳng định: “Chúng tôi chuẩn bị để gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga nhưng sẽ giảm thiểu tác động lan tỏa không mong muốn”.