Các tập đoàn nông nghiệp cảnh báo nguồn cung lương thực thế giới vẫn căng thẳng
Ngày 1-8, Ukraine đã thực hiện chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc đầu tiên kể từ khi nước này và Nga ký kết thỏa thuận thiết lập hành lang an toàn cho các chuyến tàu vận chuyển ngũ cốc đi qua Biển Đen vào tháng trước.
Thỏa thuận hứa hẹn giải phóng hàng triệu tấn lúa mì và bắp đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine do chiến tranh. Nhưng liệu thỏa thuận này có được giữ vững hay không vẫn là điều không chắc chắn. Một số tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới nhận định nguồn cung lương thực của thế giới vẫn căng thẳng trong thời gian tới ngay cả khi thỏa thuận trên không bị phá vỡ và giá cả các mặt hàng ngũ cốc chủ chốt giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Sáng 1-8, tàu hàng Razoni treo cờ Sierra Leone chở 26.000 tấn bắp đã rời cảng Odessa của Ukraine để đến Lebanon. Đây là chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của Ukraine sau khi Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận thiết lập hành lang an toàn cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen hôm 22-7. Các quan chức Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vẫn còn 17 tàu chở 600.000 tấn ngũ cốc neo đậu ở các cảng của Ukraine sẵn sàng xuất bến. Thỏa thuận trên hứa hẹn giúp Ukraine xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc sang các khu vực như châu Phi, Trung Đông và các nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, không thể bảo đảm thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga- Ukraine sẽ được giữ vững. Thỏa thuận được ký kết qua sự trung gian môi giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc nhưng chẳng bao lâu sau đó, Nga đã tấn công tên lửa vào hai cảng lớn nhất của Ukraine, Odessa và Mykolaiv, nơi xử lý phần lớn ngũ cốc xuất khẩu của đất nước.
Giới phân tích cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen. Trong khi đó, thời tiết xấu ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lương thực lớn bao gồm cả ở Nam Mỹ.
Tuần trước, Archer Daniels Midland (ADM) và Bunge, hai trong số các tập đoàn thống trị kinh doanh và chế biến ngũ cốc toàn cầu, cảnh báo sự kết hợp này khiến nguồn cung lương thực tiếp tục khan hiếm giữa lúc nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp như dầu ăn và bã đậu nành làm thức ăn chăn nuôi vẫn còn mạnh mẽ.
Giám đốc điều hành ADM, Juan Luciano nói với các nhà phân tích hôm 26-7: “Chúng ta cần phải có hai năm mùa màng bội thu ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ để giảm nhẹ tình trạng căng thẳng nguồn cung hiện tại”.
Các tập đoàn kinh doanh hàng hóa nông nghiệp khổng lồ của Mỹ gồm ADM, Bunge và Cargill giúp định hướng dòng chảy của bắp, đậu nành, lúa mì và các mặt hàng lương thực khác trên khắp thế giới.
Giá các mặt hàng ngũ cốc chủ chốt đã giảm mạnh trong những tuần gần đây sau khi tăng vọt do tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine.
Các lo ngại về suy thoái kinh tế và thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giữa Ukraine và Nga đang đảo ngược đà giá trên thị trường ngũ cốc.
Giá lúa mì tương lai tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) giảm khoảng 13% trong tháng qua. Dù giá cả lương thực đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao so với những năm gần đây.
Luciano cho biết, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga-Ukraine có thể giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa của Ukraine và sẽ giúp giảm bớt căng thẳng phần nào nguồn cung lương thực. Nhưng ông cho rằng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong những tháng tới sẽ ở mức hạn chế.
“Bạn sẽ thấy xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine rất nhỏ giọt”, ông nói và cho biết thêm những chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên từ Ukraine thể sẽ được thực hiện bởi những chiếc tàu hàng nhỏ.
Theo Luciano, rất khó để có đủ nhiên liệu và tuyển dụng thủy thủ đoàn cho những con tàu hàng lớn hơn. Chi phí bảo hiểm cho các chuyến hàng ngũ cốc từ Biển Đen cũng cao, gây khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho các giao dịch lớn.
Hôm 31-7, viết trên Twitter, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy cho biết vụ thu hoạch ngũ cốc của Ukraine trong năm nay có thể giảm một nửa so với bình thường do tác động của chiến tranh.
Các cảng ở Ukraine vẫn đang trong tình trạng hư hại do chiến tranh. Greg Heckman, Giám đốc điều hành Bunge, nhà chế biến hạt có dầu lớn nhất thế giới, cho rằng một vụ thu hoạch bội thu ở Bắc Mỹ trong năm nay sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung lương thực trên thế giới.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nắng nóng gay gắt và hạn hán dai dẳng ở một số khu vực của Mỹ đang khiến nông dân lo lắng sản lượng các vụ mùa ngũ cốc sẽ suy giảm. Heckman nhận định: “Thời tiết ở Bắc Mỹ vẫn rất quan trọng. Trong hai tháng tới, thế giới cần một vụ mùa ngũ cốc bội thu ở Bắc Mỹ và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”.
Theo Wall Street Journal, Reuters
Khánh Lan