Các tập đoàn vũ khí 'phất lên như diều' nhờ chiến sự Ukraine và Gaza
Các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu và Mỹ đã tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra và Israel giao tranh với Hamas.
Giá trị tăng cao nhờ chiến sự leo thang
Giá trị thị trường của các nhà sản xuất thiết bị quân sự chính tại Mỹ và châu Âu đã tăng vọt trong hai năm rưỡi qua, sau cuộc chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Thông tin này được công bố trong một nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính và chiến lược Accuracy mới đây.
Phân tích của Accuracy cho thấy, kể từ ngày 24/2/2022, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu tới nay, vốn hóa thị trường của 7 tập đoàn sản xuất vũ khí chính tại Mỹ và châu Âu đã tăng 59,7%.
Mức tăng này cao hơn nhiều so với chỉ số thị trường chứng khoán chuẩn ở cả hai bờ Đại Tây Dương (S&P 500 và Eurostoxx 50): Trong cùng kỳ, cả hai chỉ số này ghi nhận mức tăng lần lượt chỉ hơn 13% và 7%.
Các tập đoàn Mỹ được phân tích gồm Honeywell International, RTX Corporation, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Dynamics, L3Harris và Huntington Ingalls. Về phía châu Âu, các tập đoàn được đưa vào báo cáo là Safran, Dassault Aviation và Thales của Pháp; BAE Systems của Anh; Rheinmetall của Đức; Leonardo của Ý và Kongsberg Gruppen của Na Uy.
Ignacio Lliso, một nhà phân tích tại Accuracy, giải thích rằng các tập đoàn mà họ chọn là những tên tuổi có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực quốc phòng.
Nghiên cứu bao gồm giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2024, mức tăng giá cổ phiếu lớn nhất diễn ra trong khoảng thời gian từ quý 3 năm 2023 (khi cuộc tấn công của Israel vào Gaza bắt đầu) đến quý 1 năm 2024. Trong 6 tháng này, vốn hóa toàn cầu của 14 gã khổng lồ trong ngành công nghiệp quân sự đã tăng 20%.
“Trong tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, giá trị trung bình của cổ phiếu của các công ty này đã tăng khoảng 9%, trong khi thị trường chứng khoán vẫn ổn định”, báo cáo cho biết.
Sự gia tăng giá trị trên thị trường chứng khoán của các công ty này khiến giá trị cổ phiếu của họ tăng từ mức 11,1 lần EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao tài sản cố định) lên mức 18,8 lần.
Nhưng không chỉ giá trị cổ phiếu của họ tăng vọt: khối lượng cổ phiếu được giao dịch cũng tăng.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, trùng với thời điểm nổ ra chiến sự tại Ukraine, các nhà đầu tư đã giao dịch lượng cổ phiếu lên đến 1,4 tỷ euro của các tập đoàn vũ khí châu Âu, con số cao nhất trong 8 quý gần đây; còn cổ phiếu được giao dịch của các tập đoàn vũ khí Mỹ đạt mức kỷ lục 1,03 tỷ euro trong quý 4 năm 2023, trùng với sự leo thang của bạo lực ở Trung Đông.
Cơ hội của những "ông trùm vũ khí"
Lợi nhuận cao nhất thuộc về công ty Honeywell của Mỹ - chuyên về điện tử, hàng không và vật liệu - với mức trung bình là 24,2% trong giai đoạn này. Mặt khác, Rheinmetall một nhà sản xuất vũ khí và đạn dược của Đức, tăng giá nhiều nhất: cổ phiếu của công ty này tăng từ 96,7 euro vào tháng 2/2022 lên 334 euro vào tháng 1/2024 (tăng 245%).
Về mặt doanh thu, 7 công ty Mỹ đã đạt tổng cộng 246,2 tỷ euro trong năm ngoái, trong khi các công ty châu Âu mà Accuracy đưa vào báo cáo kiếm được 102,3 tỷ euro.
Ngay cả trong trường hợp các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza kết thúc, thị trường vẫn đang đặt cược vào một giai đoạn tăng trưởng dài hạn trong chi tiêu quân sự, vì hầu hết các nước NATO đã chi hơn 2% GDP cho quốc phòng và phần còn lại của thế giới đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới. “Có rất nhiều dòng vốn đổ vào lĩnh vực quốc phòng", nhà phân tích Lliso cho biết.
Điều này có thể nhận thấy qua những đơn hàng vũ khí “hoành tráng” được ký kết trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như Serbia mới đạt thỏa thuận mua 12 tiêm kích đa nhiệm Rafale với giá 2,7 tỷ euro từ tập đoàn Dassault Aviation của Pháp hồi cuối tháng 8 hay vào tháng 6 năm nay, Rheinmetall nhận được hợp đồng kỷ lục cung cấp đạn pháo 155 mm cho quân đội Đức và một số nước NATO với giá trị lên đến 8,5 tỷ euro.
Những biến động phức tạp về địa chính trị đang khiến các nước mạnh tay đầu tư cho quốc phòng hơn bao giờ hết. Không chỉ là máy bay tiêm kích hay lựu pháo tự hành, ngay cả vũ khí cá nhân bây giờ cũng tạo ra những đơn hàng “tỷ đô”.
Chẳng nói đâu xa, hồi tháng 3 năm nay, tập đoàn Saab của Thụy Điển đã trúng gói thầu cung cấp súng Carl-Gustaf M4 cho quân đội Ba Lan với giá trị 1,15 tỷ euro. Carl-Gustaf M4 là loại vũ khí vác vai đa năng có thể đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau: chống tăng, phá hủy công sự hoặc bắn đạn nổ trên không để tiêu diệt bộ binh trên diện rộng.
Carl-Gustaf M4 được NATO viện trợ cho Ukraine và đã có màn trình diễn ấn tượng trên chiến trường khi từng hạ gục siêu xe tăng T-90. Đó là lý do trước Ba Lan thì Lithuania, Estonia và Úc cũng đều đặt mua loại súng chống tăng đa năng này trong vòng một năm qua.
Câu chuyện về Carl-Gustaf M4 cho thấy, chiến trường Ukraine hay Dải Gaza đang trở trở thành nơi giới thiệu không thể ấn tượng hơn cho các loại vũ khí, và dĩ nhiên, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới biết phải làm gì để tận dụng cơ hội “chào hàng” ở những điểm nóng xung đột này.