Các thành phố trên thế giới thu phí xe vào nội đô như thế nào?
Để giảm tình trạng tắc nghẽn, cải thiện bầu không khí và tạo nguồn thu để phát triển giao thông công cộng, nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thu phí vào nội đô với cách thức, mức phí và chính sách khác nhau.
London: Cư dân sống trong khu vực thu phí được giảm 90%
Mỗi lái xe ở Anh sẽ phải trả khoảng 20 USD/ngày khi vào trung tâm thành phố London, trong khi mức phí ở thành phố khác như Birmingham là hơn 10 USD. Đây là khoản phí tính theo ngày được áp dụng với các phương tiện di chuyển vào trung tâm thủ đô.
Trước đó, mỗi tài xế khi di chuyển vào trung tâm London phải trả 16 USD/ngày, áp dụng cho khung giờ từ 6 đến 19 giờ các ngày trong tuần, trừ thứ 7 và Chủ nhật. Từ tháng 6-2020, mức phí này đã tăng lên 20 USD, áp dụng từ 7 đến 22 giờ tất cả các ngày, trừ ngày lễ.
Chương trình thu phí lái xe bắt đầu từ tháng 2/2003 trên một diện tích 20km2, là khu vực kinh doanh trung tâm luôn tắc xe. Sau đó các khu vực thu phí được mở rộng. Trong 3 năm thực hiện biện pháp này, lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn khi lưu thông phương tiện giảm 30%. Tuy nhiên cư dân sống trong khu vực thu phí được giảm 90% phí, xe buýt, xe cấp cứu, taxi, xe máy được miễn phí.
Ngoài London, thành phố Birmingham đã trở thành nơi đầu tiên ở Anh thiết lập vùng không khí sạch để thu phí ôtô cá nhân di chuyển vào nội đô. Kể từ ngày 1-6, những ôtô cũ gây ô nhiễm, taxi, xe tải đi vào trung tâm thành phố sẽ bị thu phí hơn 10 USD, trong khi xe buýt, xe khách và xe chở hàng trọng tải lớn bị tính phí gần 70 USD. Ước tính 1/4 số ô tô trong thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Singapore: Mức phí sẽ tăng hoặc giảm tùy theo mức độ ùn tắc
Singapore có thể nói là thành phố đầu tiên thực hiện một dạng của thu phí tắc nghẽn giao thông. Từ năm 1975, Singapore đã áp dụng mức phí cố định đối với tất cả các phương tiện đi vào khu thương mại trung tâm. Đến năm 1998, hệ thống thu phí đường bộ điện tử được áp dụng cho phép cơ quan chức năng xác định các điểm tắc nghẽn cụ thể và thay đổi phí tắc nghẽn và giờ hoạt động tùy theo điều kiện giao thông hiện hành. Do đó, mức phí sẽ tăng hoặc giảm tùy theo mức độ ùn tắc trên đoạn đường có thu phí hoặc đường cao tốc. Hệ thống thu phí đường bộ điện tử đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý tắc nghẽn giao thông.
Mục tiêu cuối cùng là khuyến khích người đi đường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc các tuyến đường và thời gian di chuyển khác.
Người dân Singapore phản ứng tích cực với chương trình thu phí tắc nghẽn này, họ coi thu phí chống tắc nghẽn chỉ là một chính sách khác cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế lâu dài và chất lượng cuộc sống.
Stockholm (Thụy Điển) thu phí thay đổi theo ngày
Tại Stockholm, Thụy Điển, mức phí chống tắc nghẽn giao thông thay đổi theo ngày: Mức phí tắc nghẽn dao động trong khoảng 15-35 Krona Thụy Điển vào mùa thấp điểm và lên đến 45 Krona Thụy Điển trong giờ cao điểm vào mùa cao điểm. Người dùng thanh toán tại các ki-ốt đóng ở lối vào và lối ra của khu vực thu phí. Mục tiêu của việc thu phí là giảm ùn tắc, cải thiện môi trường, chất lượng không khí và tạo ra nguồn thu cho việc cải thiện giao thông công cộng.
Một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào tháng 9/2006, với 51,3% ủng hộ và 45,5% phản đối việc thu phí. Tuy nhiên Chính phủ Thụy Điển được cho là thành công trong việc triển khai chương trình thu phí chống tắc nghẽn giao thông, áp dụng chính thức vào năm 2007.