Các thí sinh hào hứng bước ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thành tổ hợp Khoa học xã hội
Sáng nay 27.6, 561 ngàn thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội và các môn thi thành phần, gồm các môn thi Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong kỳ thi THPT quốc gia, đây là bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Thí sinh bắt đầu làm bài từ 7 giờ 35 theo thứ tự Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn 50 phút, nghỉ giữa quãng 10 phút và hoàn thành xong bài thi lúc 10 giờ 25 phút. Theo đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 do Bộ GD-ĐT công bố mới đây, đề thi môn Lịch sử và Địa lý trong tổ hợp Khoa học Xã hội không có dạng bài mới lạ hay câu hỏi liên hệ thực tiễn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019 có 561.364 học sinh cả nước đăng ký thi bài thi Khoa học Xã hội, chiếm gần 53% so với tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia. Con số này cho thấy, tỷ lệ thí sinh dự thi bài thi Khoa học Xã hội không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này là 43%, năm 2018 là 48% và năm 2019 là 53%. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội chiếm tới trên 65%. Ví dụ tại Ninh Bình, mùa thi năm nay có 8.745 thí sinh đăng ký dự thi thì có tới 5.762 em chọn bài thi Khoa học Xã hội, chiếm 65,89%.
Kỳ thi THPT quốc gia, công bằng mà nói được tổ chức tại 63 Hội đồng thi trên cả nước đã làm giảm rất nhiều áp lực cho các TP lớn. Không khí tại các điểm thi cũng bớt sự căng thẳng, do các thí sinh được bố trí điểm thi thuận lợi, không phải đi lại quá xa. Sự tập trung, chung tay của tất cả các tổ chức xã hội cho kỳ thi đáng được ghi nhận. Theo ghi nhận của các trường đại học, kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra nhẹ nhàng, nghiêm túc; kết quả kỳ thi bảo đảm độ tin cậy về chất lượng để các trường đại học tuyển sinh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Hải có con thi tại điểm thi trường Việt Đức (Hà Nội) cho biết trong 3 môn Khoa học xã hội, ông lo nhất cho con mình là môn Lịch sử vì môn này có kiến thức khá rộng. Nếu như môn Địa lý chỉ cần dựa vào bản đồ Atlas là có thể hoàn thành được khá nhiều câu hỏi thì môn Giáo dục công dân học sinh có thể dựa vào kiến thức xã hội cũng hoàn thành được khá nhiều. Riêng môn Lịch sử, các dấu mốc cần phải nhớ chính xác chứ không thể ghi bừa được.
Bước ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp, thí sinh Minh Đức (Việt Đức) cho biết năm nay em có nguyện vọng xét tuyển tổ hợp C vào Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. "Do ôn tập khá kỹ càng nên em đã hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng. Tối qua em xem lại những kiến thức của môn thi tổ hợp và sau khi hoàn thành bài thi em tin mính sẽ đủ điểm để đạt được ước mơ của mình vào trường ĐH”.
Tâm lý chung của nhiều thí sinh ở tổ hợp môn thi này là yên tâm với môn Địa lý và Giáo dục công dân, trong khi môn Lịch sử vẫn là "nỗi ám ảnh" của không ít thí sinh vì phải nhớ chi tiết các sự kiện, diễn biến, mốc thời gian... Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi có nhiều trường hợp thí sinh quên Atlas. Tuy nhiên, do các em tới sớm tại điểm thi cũng như điểm thi trong địa bàn quận, gần nhà nên đã liên lạc để nhờ người thân mang lên kịp thời.
Vui vẻ, phấn khởi rời khỏi phòng thi, em Trần Văn Đạt, học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chia sẻ, em cảm thấy khá tự tin khi bước vào môn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đề thi ra theo hướng mở nên em làm bài khá tốt. "Em đăng ký xét tuyển vào khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nên em đã học ôn cẩn thận, kiến thức trong đề chủ yếu là lớp 12 nên còn khá mới mẻ. Em hoàn thành hết các câu hỏi trong bài thi nên mong điểm thi của mình cao để đạt được nguyện vọng."
Tính theo từng môn thi thành phần, Lịch sử có 573.113 thí sinh đăng ký; Địa lý có 565.613 thí sinh; Giáo dục công dân có 495.801 thí sinh đăng ký. Số lượng thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp xã hội lớn hơn khá nhiều so với bài thi khoa học tự nhiên. Nhiều thí sinh cho rằng, với hình thức thi trắc nghiệm thì các môn khoa học xã hội sẽ dễ “ăn điểm” hơn.