Các thị trường hàng hóa và chứng khoán đồng loạt đi lên

Các thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán tại châu Á đồng loạt đi lên trong phiên chiều 12/8.

Vàng miếng được bán tại Kelantan, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Vàng miếng được bán tại Kelantan, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán tại châu Á đồng loạt đi lên trong phiên chiều 12/8, vào thời điểm các nhà giao dịch đang chờ đợi những thông tin kinh tế mới của Mỹ dự kiến sẽ phát hành trong tuần này, trong khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang.
* Giá vàng châu Á tăng nhẹ

Sau khi “đi ngang” trong phiên sáng nay, giá vàng đã chuyển sang hướng tăng trong phiên chiều ngày 12/8, khi các nhà đầu tư mong đợi bản báo cáo lạm phát quan trọng có thể làm sáng tỏ hơn về động thái chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tính đến 14 giờ 48 phút chiều nay, giá vàng giao ngay trên các thị trường châu Á tăng 0,2%, dừng ở mức 2.435,33 USD/ounce và giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ không đổi ở mức 2.474,20 USD/ounce.

Chuyên gia Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu của công ty Tastylive, cho biết các nhà đầu tư đang tạm dừng giao dịch để chờ đợi thêm thông tin kinh tế mới của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 của Mỹ phát hành vào ngày 14/8, với tỷ lệ tăng ước tính là 0,2% so với tháng trước đó.

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của công ty nghiên cứu IG nhận định, mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ có vẻ đã tránh được nguy cơ suy yếu, nhưng nếu lạm phát tiếp tục tăng, dù ở mức nhẹ, nhiều khả năng giá vàng một lần nữa sẽ tăng lên ngưỡng kỷ lục mới.

Đo lường từ công cụ FedWatch của công ty CME cho thấy các thị trường kỳ vọng 54% khả năng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản của lãi suất tại cuộc họp tháng 9 tới. Trong môi trường lãi suất thấp, vàng sẽ là tài sản thu hút sự chú ý của người mua nhiều hơn so với một số loại tài sản có giá trị khác.

Cùng ngày, trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 27,69 USD/ounce, giá platinum tăng nhẹ trên 1% lên 931,55 USD/ounce và giá palladium tăng 0,7% lên 911,75 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 12/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,50 - 78,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu tăng phiên thứ năm liên tiếp

Một giếng dầu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Một giếng dầu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong chiều ngày 12/8, giá dầu tiếp tục tăng phiên thứ năm liên tiếp, được hậu thuẫn bởi những lo ngại về sự leo thang căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Vào lúc 14 giờ 35 phút chiều (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 28 xu USD, tương đương 0,4%, lên 79,94 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 42 xu USD, tương đương 0,6%, lên 77,26 USD/thùng.

Chuyên gia Tony Sycamore của công ty phân tích thị trường IG nhận định những dữ liệu kinh tế mới tích cực của Mỹ đã phần nào xoa dịu nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm chậm đà tăng trưởng của giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nguy cơ leo thang xung đột giữa Israel và Palestine, sau khi Chính phủ Iran và phong trào Hezbollah tại Liban tuyên bố sẽ trả đũa các vụ ám sát xảy ra ngày 31/7 đối với hai nhân vật cấp cao của phong trào Hamas và Hezbollah.

* Thị trường chứng khoán đi lên

Sàn Giao dịch chứng khoán Seoul. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Sàn Giao dịch chứng khoán Seoul. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phiên chiều ngày 12/8, phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều “phủ xanh”, khi các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của sàn giao dịch Hong Kong tăng 0,2%, lên 17.120,23 điểm và chỉ số Shanghai Composite của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,1%, đạt 2.863,23 điểm. Thị trường chứng khoán Tokyo và Bangkok đóng cửa nghỉ lễ.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trên sàn chứng khoán Seoul tăng 1,1% lên 2.616,11 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,5% lên 7.815,60 điểm.

Các thị trường chứng khoán trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đón nhận “cú sốc” lớn vào tuần trước, khi thị trường dao động dưới áp lực bán ra mạnh mẽ. Chỉ số Nikkei 225, hôm 5/8, đã mất tới 4.451,28 điểm, tương đương 12,4%, ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản. Hiện tượng này xuất phát từ lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.

Chuyên gia Yeap Jun Rong của IG nhận định những dấu hiệu tích cực hơn từ nguồn dữ kiệu kinh tế Mỹ sắp phát hành đã đẩy lùi các lo ngại về nguy cơ suy thoái. Hơn nữa với kỳ vọng về lãi suất sẽ sớm được cắt giảm, các nhà đầu tư tin rằng Fed có thể duy trì sự linh hoạt hơn trong quá trình nới lỏng chính sách của mình so với quá trình đang bị buộc phải thực hiện do rủi ro kinh tế cao hơn.

Bên cạnh các báo cáo về lạm phát, tuần này, Bộ Thương mại và Bộ Lao động Mỹ dự kiến cũng sẽ có thông tin cập nhật về doanh số bán lẻ và tình trạng thất nghiệp.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 12/8, chỉ số VN-Index tăng 6,6 điểm, tương đương 0,54%, lên 1.230,28 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,39 điểm, tương đương 0,6%, lên 230,77 điểm.

Diệu Linh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-thi-truong-hang-hoa-va-chung-khoan-dong-loat-di-len/343472.html