Các thị trường lớn của thủy sản có tín hiệu hồi phục dần

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dù chưa bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu.

Xuất khẩu cá ngừ, cua ghẹ tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu lạc quan. Nguồn: ITN

Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu lạc quan. Nguồn: ITN

Trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, lũy kế 5 tháng đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD, lũy kế 5 tháng đạt 101 triệu USD, tăng 84%.

Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu về tiêu thụ cua sống của Việt Nam, với mức tăng nhập khẩu gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các thành phẩm cua tuyết: thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…

Trong tháng 5, xuất khẩu cá tra tăng 10% và xuất khẩu mực bạch tuộc và các loài cá khác đều tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng 3%; xuất khẩu cá biển giảm 3% đạt 742 triệu USD; mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2%.

Xuất khẩu tôm giảm 1,5% trong tháng 5, đạt 326 triệu USD, tuy nhiên lũy kế 5 tháng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7%, kim ngạch 1,3 tỷ USD. Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lớn của nước ta, cho biết, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng của doanh nghiệp này tăng hơn 15% so với cùng kỳ, chứng tỏ đơn hàng có tăng nhưng chưa nhiều..

Khả quan hơn trong nửa cuối năm

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, dù chưa bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5 với mức tăng 5 - 26%, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ. Tính tới cuối tháng 5, Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 - 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Về giá cả, giá trung bình xuất khẩu cá tra đã có xu hướng cải thiện dần dần trong 4 tháng đầu năm nay, từ mức thấp 2,4 USD/kg vào tháng 12.2023 đã lên tới 2,9 USD/kg vào tháng 4.2024. Nhìn chung giá trung bình xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cá ngừ vằn trên thị trường châu Âu vẫn ổn định trong khi giá cá ngừ vây vàng tăng mạnh do nhu cầu cao. Giá cá ngừ vằn hấp, làm sạch một lần ổn định. Giá mực, bạch tuộc đang nhích dần lên trong những tháng mùa hè và có xu hướng tăng nữa trong vài tháng tới. Giá cá tra xuất khẩu sang EU cũng có chiều hướng tăng dần trở lại: tới tháng 4.2024, mức giá trung bình cá tra đạt 2,55 USD/kg, mức cao nhất kể từ tháng 10.2023. Tuy nhiên, giá tôm chân trắng tại EU vẫn thấp trong bối cảnh nguồn cung quá dồi dào từ Ecuador.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, các doanh nghiệp sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD - 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu thủy sản vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc… Trước những biến động của thị trường, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cac-thi-truong-lon-cua-thuy-san-co-tin-hieu-hoi-phuc-dan-i374525/