Các thuốc điều trị bệnh cơ tim phì đại

Cơ tim phì đại là một căn bệnh gây ra tình trạng dày lên của cơ tim. Việc phát hiện, điều trị sớm và đúng cách giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc những biến chứng nguy hiểm…

Các triệu chứng phổ biến của cơ tim phì đại gồm: Đau ngực, chóng mặt và ngất xỉu, đánh trống ngực (tim đập mạnh hoặc nhanh hơn bình thường), khó thở, dễ mệt mỏi, sưng chân, bàn chân, mắt cá chân và bụng. Các triệu chứng trở nên nghiên trọng hơn khi về già, có thể là do cơ tim dần trở nên cứng hơn, khiến tim khó bơm máu hơn.

Các biến chứng có thể do cơ tim phì đại gây ra:Rung nhĩ hoặc block tim, viêm nội tâm mạc, hở van hai lá, thậm chí có thể gây ngừng tim và đột tử.

Hiện tại không có cách chữa khỏi bệnh cơ tim phì đại. Mục tiêu của điều trị là làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa đột tử do tim ở những người có nguy cơ cao.

Cơ tim phì đại có thể gây: Rung nhĩ hoặc block tim, viêm nội tâm mạc, hở van hai lá, thậm chí có thể gây ngừng tim và đột tử.

Cơ tim phì đại có thể gây: Rung nhĩ hoặc block tim, viêm nội tâm mạc, hở van hai lá, thậm chí có thể gây ngừng tim và đột tử.

1. Điều trị

cơ tim phì đại

bằng thuốc

1. 1. Thuốc chẹn beta

Tác dụng: Thuốc chẹn beta là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các trường hợp cơ tim phì đại. Bệnh nhân nên được dùng liều thấp nhất có hiệu quả giúp làm giảm triệu chứng. Các thuốc thường dùng như metoprolol, propranolol hoặc atenolol...

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp như nhịp tim chậm, hạ huyết áp, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và táo bón... Một số bệnh nhân còn gặp rối loạn chức năng tình dục, rối loạn cương dương.

1. 2. Thuốc mavacamten

Tác dụng: Đây là loại thuốc đầu tiên được FDA chấp thuận vào năm 2022 để điều trị cơ tim phì đại tắc nghẽn. Thuốc có thể được chỉ định nếu không thể dùng hoặc không cải thiện khi dùng thuốc chẹn beta hoặc verapamil.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ điển hình bao gồm chóng mặt, ngất xỉu và khó thở. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể liên quan đến suy tim, cần theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh liều nếu phân suất tống máu thất trái giảm xuống dưới 50%.

1.3. Thuốc chẹn kênh canxi

Tác dụng: Những loại thuốc này có tác dụng giãn mạch. Tuy nhiên, bằng cách ngăn chặn canxi xâm nhập vào tế bào, thuốc có thể làm giảm nhịp tim, giảm lực co bóp cơ tim và giảm tốc độ dẫn truyền qua nút nhĩ thất. Các thuốc thường dùng như verapamil hoặc diltiazem.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón…

Việc khám và điều trị sớm giúp người bệnh cơ tim phì đại giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.

Việc khám và điều trị sớm giúp người bệnh cơ tim phì đại giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.

1.4. Thuốc điều trị loạn nhịp tim

Tác dụng: Thuốc điều trị loạn nhịp tim được kê đơn ngoài chỉ định để điều trị cơ tim phì đại, giúp giảm tắc nghẽn dòng chảy và các triệu chứng liên quan. Các thuốc thường dùng như amiodarone hoặc disopyramide.

Tác dụng phụ: Do đặc tính kháng cholinergic nên thuốc có khả năng gây bí tiểu và làm trầm trọng thêm các tình trạng liên quan như bệnh tăng nhãn áp và nhược cơ.

1.5. Thuốc lợi tiểu

Tác dụng: Thuốc lợi tiểu có thể được dùng thận trọng ở những bệnh nhân không bị tắc nghẽn buồng tống thất trái nhưng có các triệu chứng suy tim kháng trị biểu hiện bằng tình trạng quá tải thể tích. Các thuốc thường dùng như furosemide, bumetanide...

Tác dụng phụ: Các tác dụng có thể gồm hạ huyết áp, chóng mặt và ngất xỉu.

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc thích hợp. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc để tránh những rủi ro có thể xảy ra do dùng thuốc không đúng cách.

2. Các biện pháp can thiệp khác

- Phẫu thuật cắt bỏ vách ngăn: Phương pháp này cắt bỏ một phần thành cơ dày của tim, nếu dùng thuốc không cải thiện các triệu chứng, giúp cải thiện lưu lượng máu ra khỏi tim. Ngoài ra, phẫu thuật còn làm giảm dòng máu chảy ngược qua van hai lá.
- Máy khử rung tim cấy ghép (ICD): Thiết bị này được đặt dưới da gần xương đòn, liên tục kiểm tra nhịp tim. Việc sử dụng ICD đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa đột tử.

- Thiết bị liệu pháp đồng bộ hóa tim (CRT): Thiết bị có thể giúp các buồng tim co bóp có tổ chức và hiệu quả hơn nhưng hiếm khi được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại.

- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Thiết bị cấy ghép này giúp máu lưu thông qua tim nhưng cũng hiếm khi được sử dụng.

- Ghép tim:Ghép tim là phẫu thuật thay thế tim bị bệnh bằng tim khỏe mạnh của người hiến tặng. Phương pháp điều trị cho bệnh suy tim giai đoạn cuối khi thuốc và các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả.

3. Lưu ý khi điều trị ở người bệnh cơ tim phì đại

Người bệnh cơ tim phì đại cần tuân thủ:

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn.

- Trong thời gian dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống để làm giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh cơ tim phì đại:

- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh.

- Ăn chế độ lành mạnh với ít muối và chất béo rắn, giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

- Không hút thuốc, giảm bia rượu vì có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nhịp tim không đều và lưu lượng máu bị tắc nghẽn.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp ngăn ngừa căng thẳng quá mức cho tim. Điều này cũng làm giảm các rủi ro sức khỏe liên quan đến phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

- Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Tăng huyết áp và tăng cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Dùng thuốc theo chỉ dẫn để kiểm soát tăng huyết áp, cholesterol, kiểm tra sức khỏe định kỳ...

- Thực hiện thói quen ngủ sớm: Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các tình trạng mạn tính khác. Người lớn nên cố gắng ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-benh-co-tim-phi-dai-169240820093415305.htm