Các thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, bao gồm các tĩnh mạch vùng cẳng chân, khoeo, đùi, các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc tình trạng bệnh

Huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào trong cơ thể. Tình trạng này có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch. Bản thân huyết khối tĩnh mạch sâu không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cục máu đông có thể bị vỡ ra và di chuyển theo dòng máu về tim.

Nếu cục máu đông di chuyển đến các mạch máu trong phổi, có nguy cơ gây tắc nghẽn động mạch phổi, gây thuyên tắc phổi, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bệnh nhân có luồng thông trái phải như tồn tại lỗ bầu dục, hay thông liên nhĩ sẽ có nguy cơ bị huyết khối gây thuyên tắc động mạch bất kỳ cũng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đây là những biến chứng nguy hiểm nhất, ngoài ra các biến chứng khác cũng ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân như:

Suy giãn tĩnh mạch mạn tính: Là tình trạng các tĩnh mạch giảm khả năng dẫn máu trở về tim do suy chức năng các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc tĩnh mạch sâu. Tình trạng này diễn tiến thầm lặng nên bệnh nhân ít để ý, lâu dần gây ra triệu chứng đau, chuột rút, tê bì, phù và làm thay đổi màu sắc ở chân, thậm chí có thể diễn tiến đến loét chân lâu lành.

Hội chứng hậu huyết khối:Tình trạng này xảy ra sau khi người bệnh đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân nhưng không được điều trị hoặc điều trị bệnh không đúng cách, có thể khiến người bệnh bị đau chân, sưng chân, thay đổi màu da và lở loét trên da.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch: Tình trạng này là do cục huyết khối bong ra và di chuyển trong mạch máu. Cục huyết khối bị mắc kẹt ở nơi lòng mạch có kích thước nhỏ hơn.

Các yếu tố nguy cơ cao gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu ở người nằm bất động lâu, bệnh nhân sau phẫu thuật, mắc ung thư và bệnh huyết khối do di truyền... thường xuất hiện ở các vị trí:

- Cẳng chân, đùi: Người bệnh cảm thấy đau, sưng và có cảm giác nóng ở cẳng chân kể cả lúc nghỉ ngơi, đặc biệt tăng khi vận động. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người bệnh.

- Vùng chậu: Huyết khối tĩnh mạch sâu vùng chậu thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Do trong quá trình mang thai, thai nhi tăng kích thước sẽ chèn ép, tạo áp lực lớn trong các tĩnh mạch ở vùng chậu và hai chân. Ở trường hợp này, sau sinh phụ nữ vẫn có nguy cơ hình thành máu đông tĩnh mạch sâu.

2. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào?

Huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra các biến chứng nêu trên. Bệnh gây ra tỷ lệ tử vong khá cao nếu biến chứng thuyên tắc phổi. Do đó, khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu, cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay.

Điều trị bệnh dựa vào giai đoạn bệnh:

2.1 Huyết khối tĩnh mạch sâu giai đoạn cấp

Điều trị giai đoạn này bao gồm sử dụng điều trị thuốc kháng đông ban đầu, thuốc tiêu sợi huyết hệ thống, lấy huyết khối qua catheter, phẫu thuật lấy huyết khối, lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới và các biện pháp hỗ trợ khác như vận động sớm, đeo tất áp lực.

- Thuốc kháng đông:Khoảng hơn 90% bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu chỉ cần điều trị với thuốc kháng đông đơn thuần kết hợp với các điều trị hỗ trợ. Một số trường hợp nếu có các bất ổn về huyết động, mất bù tại tuần hoàn chân hoặc có chống chỉ định thuốc kháng đông sẽ cần điều trị khác.

Thuốc chống đông được chỉ định cho các trường hợp:

Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới giai đoạn cấp.
Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn xa có triệu chứng (từ cẳng - bàn chân).
Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp đoạn xa không triệu chứng
Bệnh nhân có xác suất lâm sàng cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới được chỉ định ngay trong thời gian chẩn đoán xác định.
Bệnh nhân có xác suất lâm sàng trung bình bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới được cân nhắc điều trị thuốc chống đông ngay nếu thời gian chờ thực hiện thăm dò chẩn đoán kéo dài trên 4 giờ.

- Thuốc tiêu sợi huyết: Cân nhắc chỉ định đường toàn thân trong trường hợp huyết khối lớn cấp tính ở vùng chậu - đùi, có nguy cơ hoại tử chi do động mạch chèn ép.

- Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới: Chỉ định cho bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đoạn gần và có chống chỉ định điều trị thuốc chống đông hoặc bệnh nhân bị tái thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

- Tất áp lực y khoa: Được chỉ định sớm cho bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, nên duy trì đeo tất áp lực hoặc băng chun ít nhất 2 năm.

- Phẫu thuật lấy huyết khối: Biện pháp này cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân có huyết khối lớn cấp tính vùng chậu - đùi, toàn trạng tốt. Hoặc bệnh nhân huyết khối có nguy cơ đe dọa hoại tử chi do chèn ép động mạch.

Sau điều trị, Bệnh nhân được khuyến khích vận động sớm ngay từ ngày đầu tiên sau khi được quấn băng chun, tất áp lực y khoa.

2.2 Điều trị duy trì

Do nguy cơ tái phát cao nên sau điều trị cấp, bệnh nhân cần điều trị duy trì trong ít nhất 3 tháng. Các biện pháp trong giai đoạn này bao gồm:

Kiểm soát sự tiến triển lan rộng của huyết khối trong giai đoạn cấp nhằm ngăn ngừa ngay tức khắc nguy cơ bị thuyên tắc phổi có thể gây tử vong.
Kiểm soát tăng áp tĩnh mạch ngoại biên, tăng áp phổi cấp và mạn tính.
Ngăn ngừa huyết khối tái phát trong giai đoạn trung gian và lâu dài.

Khi nguy cơ thuyên tắc cấp đã được làm giảm tạm thời, vẫn cần dùng thuốc kháng đông tiếp theo. Bởi việc ngừng kháng đông trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ huyết khối tái phát đặc biệt cao trong vòng 3-6 tháng đầu. Thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào kích cỡ, độ lan rộng cũng như vị trí của huyết khối.

Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

2.3 Điều trị duy trì lâu dài

Khi đã qua giai đoạn điều trị duy trì, bệnh nhân tiếp tục được điều trị duy trì lâu dài. Thời gian điều trị giai đoạn này phụ thuộc từng bệnh nhân. Bác sĩ sẽ dựa trên cân bằng giữa nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu và nguy cơ xuất huyết khi phải điều trị kháng đông kéo dài để có chỉ định cụ thể.

Điều trị biến chứng hậu huyết khối tĩnh mạch: Là những triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính, xuất hiện thứ phát sau khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Các triệu chứng này gồm đau, loét, phù, loạn dưỡng.

Điều trị bằng đeo băng chun hoặc tất áp lực y khoa phối hợp vận động phục hồi chức năng và thuốc trợ tĩnh mạch.

Điều trị can thiệp bằng đặt stent tĩnh mạch vùng đùi, chậu trong trường hợp hẹp tĩnh mạch đùi - chậu hậu huyết khối.

Phẫu thuật ghép đoạn hoặc chuyển đoạn tĩnh mạch sâu, tạo hình van tĩnh mạch sâu mới.

3. Lưu ý khi điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Bệnh tiến triển âm thầm cho tới khi có triệu chứng rõ rệt thì nguy cơ biến chứng khá cao. Do đó khi nghi ngờ bị bệnh cần đi khám, siêu âm tim, siêu âm mạch chi để phát hiện bệnh kịp thời.

Sau khi điều trị, bệnh có nguy cơ tái phát cao, do đó bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc cũng như các biện pháp điều trị hỗ trợ.

Các thuốc chống đông có khá nhiều tác dụng phụ, trong đó nguy cơ xuất huyết là tác dụng nguy hiểm nhất. Trong khi dùng thuốc, cần lưu ý chế độ ăn để tránh tương tác thuốc – thực phẩm. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc khác đang dùng để tránh tương tác thuốc – thuốc.

Cần tái khám theo lịch hẹn hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Tránh các hoạt động dễ bị va đập dẫn đến chảy máu...

Mời độc giả xem thêm:

BS.Minh Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-huyet-khoi-tinh-mach-sau-169241209185619273.htm