Các thuốc giúp quản lý bệnh vảy nến thông thường ở trẻ em

Vảy nến là một bệnh da thường gặp ở người lớn và trẻ em, gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Bệnh vảy nến ở trẻ em đa số đáp ứng với điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, một số trường hợp vảy nến mức độ trung bình đến nặng đòi hỏi điều trị bằng dùng thuốc toàn thân hoặc liệu pháp ánh sáng.

Mặc dù nhiều phương pháp điều trị vảy nến ở trẻ em được áp dụng tương tự như người lớn, nhưng các thử nghiệm về hiệu quả và độ an toàn để hướng dẫn cách tiếp cận điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em còn hạn chế. Do đó, việc phát triển các hướng dẫn điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em là một thách thức.

Trong thực hành lâm sàng, việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân, chẳng hạn như tuổi, mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm và khả năng chịu đựng các rủi ro và tác dụng phụ của các loại thuốc cụ thể, sẽ quyết định hướng điều trị.

Điều trị vảy nến ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết trẻ mắc bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình đáp ứng điều trị với các loại thuốc bôi tại chỗ như corticosteroid, ức chế calcineurin và các dẫn xuất của vitamin D. 10 – 20% trẻ em mắc vảy nến trung bình đến nặng ( > 10% diện tích cơ thể) không đáp ứng với liệu pháp tại chỗ, thường phải điều trị liệu pháp ánh sáng hoặc dùng thuốc toàn thân.

Ngoài ra, lựa chọn phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác của bệnh nhân. Viêm khớp vảy nến thường đòi hỏi điều trị bằng liệu pháp toàn thân dù tổn thương da ở mức độ nhẹ.

Quản lý vảy nến thông thường mức độ nhẹ đến trung bình ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên

Vảy nến thể mảng mức độ nhẹ đến trung bình khi tổn thương < 10% diện tích bề mặt cơ thể. Đa số các trường hợp đáp ứng với liệu pháp tại chỗ. Vảy nến ở các vị trí đặc biệt như vảy nến ở da đầu, nếp kẽ điều trị có chút thay đổi.

Liệu pháp đầu tay

Corticosteroid tại chỗ là liệu pháp điều trị chính cho bệnh vẩy nến ở trẻ em dựa trên kinh nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, liệu pháp corticosteroid dài hạn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ như teo da. Do đó, các thuốc bôi ngoài da không steroid (ví dụ, thuốc ức chế calcineurin hay dẫn xuất vitamin D tại chỗ) thường được thêm vào (hoặc thay thế) liệu pháp corticosteroid tại chỗ để giảm mức độ phơi nhiễm corticosteroid.

Corticosteroid tại chỗ

Cách dùng:

– Tổn thương vảy nến trên thân mình và tứ chi ở trẻ em có thể được điều trị bằng corticosteroid tại chỗ có độ mạnh từ trung bình tới mạnh (nhóm 2 – 4 (bảng dưới đây) bôi 2 lần/ngày. Các dấu hiệu cải thiện (giảm ban đỏ và độ dày vảy) thường rõ ràng trong vòng 1 -2 tuần đầu tiên, cải thiện dần khi tiếp tục sử dụng. Các tác giả thường khuyến cáo bôi hàng ngày trong 4 tuần. Sau khi cải thiện, có thể ngừng sử dụng hoặc giảm tuần tần xuất bôi ( bôi cách ngày, bôi 2 lần/tuần vào cuối tuần) để duy trì đáp ứng. Tiếp tục sử dụng hàng ngày trong tối đa bốn tuần trong các đợt bùng phát bệnh.

Bảng phân độ mức độ mạnh của corticoid bôi tại chỗ.

Bảng phân độ mức độ mạnh của corticoid bôi tại chỗ.

Vảy nến trên thân mình hoặc tứ chi không đáp ứng trong vòng 4 tuần điều trị corticosteroid tại chỗ nhóm 2 – 4, thì một đợt ngắn (≤ 2 tuần) corticoid mức độ rất mạnh (nhóm 1 (bảng 1)) là cần thiết. Sau 2 tuần sử dụng, nên giảm tần xuất bôi (ví dụ: hai ngày liên tục mỗi tuần). Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chuyển sang một loại corticosteroid mức độ nhẹ hơn.

Khuyến cáo nên kết hợp dẫn xuất vitamin D trong phác đồ điều trị. Bôi dẫn xuất vitamin D đồng thời với corticosteroid tại chỗ trong các đợt bùng phát cấp tính. Khi tần suất bôi corticosteroid tại chỗ giảm xuống còn hai ngày mỗi tuần, việc bôi chất tương tự vitamin D tại chỗ có thể tiếp tục trong năm ngày còn lại.

Corticosteroid tại chỗ có nhiều dạng bào chế (ví dụ: thuốc mỡ, kem, lotion, gel, dung dịch, xịt), thuốc mỡ được ưu tiên hơn do khả năng ngấm sau qua tổn thương vảy dày của vảy nến. Kết hợp corticosteroid tại chỗ với thuốc tiêu sừng, như axit salicylic 5% giúp tăng cường tác dụng của thuốc đối với các tổn thương nhiều vảy dày sừng.

Nên thận trọng khi sử dụng corticosteroid tại chỗ trên da mặt và vùng nếp kẽ do tăng nguy cơ tác dụng phụ trên da, tránh sử dụng corticosteroid tại chỗ hiệu lực trung bình đến mạnh ở những vùng này.

Tổn thương dát đỏ bong vảy mỏng, ranh giới rõ tập trung thành mảng vùng đầu gối ở trẻ 5 tuối.

Tổn thương dát đỏ bong vảy mỏng, ranh giới rõ tập trung thành mảng vùng đầu gối ở trẻ 5 tuối.

Tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa

Teo da và giãn mạch là tác dụng phụ thường gặp của liệu pháp corticosteroid tại chỗ, có thể giảm thiểu bằng cách hạn chế thời gian bôi thuốc, tránh bôi quá nhiều (chỉ cần lớp mỏng là đủ), và tránh sử dụng corticosteroid mạnh trên mặt và các vùng kẽ. Hấp thu toàn thân của corticosteroid tại chỗ cũng có thể dẫn đến ức chế trục tuyến yên vùng dưới đồi, đặc biệt ở trẻ em. Chất làm mềm da cũng có thể giúp giảm thiểu hiện tượng Koebner thông qua giảm khả năng kích ứng da.

Các liệu pháp khác

Các thuốc bôi ngoài da khác như tazarotene, hắc ín và anthralin, ít được sử dụng cho bệnh vảy nến ở trẻ em vì tác dụng phụ.

Quản lý vảy nến mức độ trung bình đến nặng ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên

Các lựa chọn điều trị chính bao gồm thuốc ức chế miễn dịch (methotrexate, cyclosporin), liệu pháp ánh sáng, thuốc sinh học và retinoids đường uống. Tránh điều trị bằng corticosteroid đường uống do có khả năng làm bùng phát bệnh nặng khi ngừng thuốc.

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân như mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm, khả năng chấp nhận rủi ro và tác dụng phụ, và tiền sử điều trị trước đó.

Điều trị viêm khớp vảy nến thể khớp ở trẻ em

Quản lý viêm khớp vảy nến ở trẻ em từ đầu rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tàn tật sau này. Thông thường, viêm khớp vảy nến yêu cầu liệu pháp toàn thân để cải thiện tình trạng viêm khớp và bệnh da đồng thời (methotrexate hoặc thuốc ức chế yếu tố hoại tử u TNF -alpha).

Điều trị vảy nến thông thường ở trẻ em dưới 4 tuổi

Tiếp cận điều trị vảy nến thể mảng mức độ nhẹ đến trung bình ở nhóm trẻ em dưới 4 tuổi tương tự trẻ em nói chung. Corticosteroid bôi tại chỗ nhóm trung bình đến yếu (nhóm 4 – 7) được ưu tiên. Lưu ý đối với vị trí tã lót ở trẻ em, sử dụng corticoid tại chỗ cần được theo dõi chặt chẽ do nguy cơ tăng tác dụng phụ do việc mặc tã gây băng bịt vùng tổn thương.

Cũng như đối với trẻ lớn hơn, phương pháp điều trị chủ yếu vảy nến ở mặt và nếp kẽ là thuốc ức chế calcineurin tại chỗ và corticosteroid bôi tại chỗ hiệu lực thấp. Ưu tiên sử dụng thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (tacrolimus 0,03% hoặc pimecrolimus 1%) cho vảy nến ở mặt và vùng nếp kẽ và dùng thay thế trong các trường hợp sử dụng corticoid bôi tại chỗ lâu dài. Các dẫn xuất vitamin D và retinoid bôi tại chỗ hiếm khi được sử dụng trong điều trị trẻ sơ sinh vì tác dụng phụ thường gặp là kích ứng da.

Tiếp cận điều trị vảy nến mức độ trung bình đến nặng ở trẻ em dưới bốn tuổi chủ yếu bao gồm tối ưu hóa liệu pháp tại chỗ. Liệu pháp quang trị liệu và liệu pháp toàn thân hạn chế dùng ở nhóm tuổi này vì lo ngại về tính an toàn khi sử dụng.

BS Nguyễn Thị Thảo Nhi

(BV Da liễu Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-giup-quan-ly-benh-vay-nen-thong-thuong-o-tre-em-n184046.html