Các thương hiệu dần chuyển nhà máy sản xuất khỏi châu Á
Theo hãng thông tấn Reuters, các thương hiệu quần áo và giày dép lớn đang dần chuyển nhà máy sản xuất từ châu Á sang các quốc gia gần Mỹ và châu Âu hơn trước bối cảnh tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp gián đoạn sản xuất trong vài tuần.
Tiết lộ này cũng được đưa ra trong bối cảnh cước vận chuyển hàng hóa đang tăng phi mã khiến các công ty cũng phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng được trải dài trên toàn cầu với các trung tâm sản xuất là ở châu Á – nơi có chi phí sản xuất rẻ.
Gần đây, nhà bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Mango đã cho biết họ đang “đẩy nhanh” sản lượng tại các nước như Thổ Nhĩ Kỹ, Maroc và Bồ Đào Nha. Trong năm 2019, phần lớn các sản phẩm của nhãn hàng này được sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam. Mango cũng cho biết họ sẽ mở rộng “đáng kể” số lượng đơn vị sản xuất tại châu Âu trong năm 2022.
Tương tự, nhà bán lẻ giày của Mỹ Steve Madden ngày 10/11 cho biết họ đang thu nhỏ quy mô sản xuất ở Việt Nam và sẽ chuyển 50% quy mô sản xuất tại Trung Quốc sang Brazil và Mexico. Trong khi đó, nhà sản xuất dép cao su Crocs cho biết họ đang chuyển nhà máy sản xuất sang Indonesia và Bosnia.
Bulgaria, Ukraine, Romania, Cộng hòa Séc, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ đang là một số quốc gia thu hút sự quan tâm từ các nhà sản xuất quần áo và giày dép, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục là nơi gia công cho phần lớn các sản phẩm của chuỗi thương hiệu may mặc của Mỹ và châu Âu.
Barry Conlon – giám đốc điều hành của Overhaul, một công ty quản lí rủi ro chuỗi cung ứng – cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong các hoạt động vận tải và đường bộ tại các nước thuộc Liên xô cũ, đặc biệt là ở Hungary và Romania.”
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu hàng may mặc dự kiến sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm nay, cao nhất mọi thời đại nhớ vào sự gia tăng đột biến các đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu, theo dữ liệu của Hội đồng may mặc và quần áo Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực may mặc của nước này đạt 17 tỷ USD.
Tại Bosnia & Herzegovina, xuất khẩu hàng dệt may, da giày đạt khoảng 436,65 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, cao hơn so với cả năm 2020.
“Nhiều công ty từ EU – các đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi – đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới và chuỗi cung ứng mới tại thị trường Balkans” – giáo sư Muris Pozderac – Thư ký hiệp hội dệt, quần áo, da và giày dép tại Bosnia & & Herzegovina.
Tại Guatemala, chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp của Mỹ Nordstrom đã chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm thương hiệu riêng vào đất nước này từ năm 2020. Guatemala ghi nhận, xuất khẩu quần áo đạt hơn 1 tỷ USD tính đến cuối tháng 8 năm nay, tăng 34,2% so với năm 2020 và thậm chí cao hơn 8,8% so với năm 2019.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi Việt Nam. Trước đó, nhiều nhà máy tại Việt Nam đã phải gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh nhưng đang dần khôi phục lại sản xuất để kịp giao hàng đúng tiến độ.