Các thương vụ mua bán - sáp nhập tăng trưởng 'nóng' trong mùa dịch
Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng mạnh.
Các thương vụ M&A tăng trưởng mạnh
Trong hơn một thập kỷ qua, M&A (thương vụ mua bán - sáp nhập) đã phát triển rất mạnh tại Việt Nam, với hàng ngàn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD.
Tại Diễn đàn M&A 2021 diễn ra vào sáng nay (9/12), ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.
“Điều này cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn, và các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ”, ông Phương nói.
Có cùng quan điểm này, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng: Môi trường M&A Việt Nam khá thú vị và hấp dẫn, các thương vụ M&A đang rất được quan tâm, với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Điều này cho thấy, các thương vụ mua bán - sáp nhập đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Theo ông Warrick Cleine, nhiều quốc gia Bắc Á, tập đoàn đa quốc gia tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đó là tín hiệu rất tốt. Cụ thể, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khỏe, bán buôn – bán lẻ, IT. Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến ngành thương mại điện tử, logistics.
“Dù vậy, vẫn có những thách thức với các tập đoàn, doanh nghiệp đi M&A, đó là tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp mà họ mua”, ông Warrick Cleine cho biết.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới…
Toàn cảnh Diễn đàn.
Để làm được điều đó, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.
Sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ được thành lập vào năm 2020, các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, cũng đã được ban hành, tạo thuận lợi để thu hút được các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược.
Hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
“Tôi tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Phương nói.