Các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam phát triển giao thông xanh.
EU cam kết hỗ trợ giảm khí nhà kính ngành giao thông
Tại Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", do Bộ GTVT tổ chức, ông Thomas Wiersing, Đại diện Lâm thời - Phó trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức.
Đầu tiên là áp dụng chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn cho các phương tiện. Các tiêu chuẩn khí thải mới giúp giảm 40% phát thải trên các mẫu xe mới bán ra từ năm 2000.
Thứ hai, sử dụng nhiên liệu thay thế như điện, hydro để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba, đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, xe điện để giảm sử dụng phương tiện cá nhân, cũng như đảm bảo hệ thống GTCC sạch và an toàn. Khuyến khích phát triển giao thông đô thị bền vững, thúc đẩy GTCC tại đô thị bằng cách xây dựng hạ tầng cho người đi bộ, khuyến khích đi chung xe.
Các ngân hàng đầu tư của EU cũng cung cấp tài chính và có các chương trình kết nối để hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đồng thời đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Theo ông Wiersing, đường sắt đóng vai trò quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2030 đặt mục tiêu phục vụ hành khách đường sắt tăng 30%, cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành đường sắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hướng tới giao thông xanh.
Tại Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ giảm khí nhà kính ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam.
Theo bà Takebayashi Yoko, Phó trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, hơn 30 năm vừa qua, JICA đã hỗ trợ, triển khai nhiều khoản đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với tổng số tiền đầu tư 3.000 tỷ Yên.
Cùng đó là triển khai mô hình hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, cũng như cung cấp đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn.
Nhận định giao thông công cộng (GTCC) là trọng tâm chính trong chuyển đổi xanh, bà Yoko cho biết, JICA luôn sẵn sàng huy động các nguồn lực để phối hợp với Chính phủ và các đối tác để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.
Ngân hàng thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam
Tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", do Bộ GTVT tổ chức, bà Kathleen A.Whimp, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam - Lào - Campuchia khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh và phát triển bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo bà Kathleen A.Whimp, việc Việt Nam đầu tư cho phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, triển khai dự án xây dựng tàu điện ngầm Metro tại TP.HCM hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu trên.
Thời gian qua, WB luôn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, phương tiện xanh không chỉ trong cam kết tài chính mà còn hỗ trợ các sáng kiến kỹ thuật, đơn cử như sáng kiến của WB trong chuyển đổi xe buýt điện, hỗ trợ cho chuyển đổi giao thông xanh.
Tuy nhiên, theo bà Kathleen A.Whimp, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức như: Thúc đẩy phê duyệt các dự án, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế, chuẩn bị ngân sách dài hạn do các dự án, nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện khung pháp lý.
ADB sẽ đồng hành cùng Việt Nam
Ông Ron H. Slangen, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm, phát triển ngành giao thông là vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Việt Nam để đạt được mục tiêu.
ADB cam kết mạnh mẽ đầu tư trong lĩnh vực này bởi kể từ khi thành lập, các đầu tư của ADB vào lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 25%. Việc hỗ trợ của ADB vẫn tiếp tục duy trì trong đó có cả khu vực đầu tư công và tư trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Vận hành hiệu quả của hệ thống giao thông cần lưu tâm, trong đó yêu cầu đầu tư vào xe điện, hệ thống theo dõi điều khiển giao thông, theo dõi qua vệ tinh và cải thiện chính sách.
Đòi hỏi đầu tư lĩnh vực giao thông xanh không chỉ ở ngành giao thông mà còn cần ở cả các ngành khác. Từ 2017-2030, mục tiêu ADB cam kết phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ. Các cam kết của ADB tập trung vào phát triển chiến lược của các quốc gia trong ngành giao thông.
Ưu tiên các phương tiện phát thải thấp hoặc không phát thải là tập trung của ADB. ADB trên tinh thần đó cũng đã đầu tư rất mạnh mẽ cho GTVT đường sắt và hàng không. ADB hiện đang đầu tư hơn 70.000 trang thiết bị vận tải chạy điện cho đường bộ.
Đại diện ADB tin rằng thị trường xe điện các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ trong những năm tới.
"Như chúng ta đã biết, nhiều khu vực đang chịu ô nhiễm cao, đặc biệt ở các đô thị. Ngành giao thông sẽ phải giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã tham gia ở một số thành phố như Hà Nội và TP.HCM, trong đó chú trọng đến giao thông đường sắt đô thị… ADB hy vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng về tài chính, đầu tư để tạo nên nền giao thông xanh bền vững cho Việt Nam", ông Ron H. Slangen nói thêm.