Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

Ngày 30-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 (Vietnam Banking Forum 2020) với chủ đề 'Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách'.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, nhờ đó, sự ổn định, an toàn của hệ thống được giữ vững, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Bên cạnh đó, quy mô tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch của các tổ chức tín dụng được nâng cao, tình trạng sở hữu chéo về cơ bản được kiểm soát.

Theo ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), tiến độ cơ cấu lại đối với một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm; việc xử lý tài sản bảo đảm còn khó khăn…

Quang cảnh diễn đàn.

Về kết quả xử lý nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tính đến hết tháng 8-2020 đạt 329.007 tỷ đồng; thu hồi nợ 94.370 tỷ đồng; thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và tài sản bảo đảm với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.

Ông Đỗ Giang Nam đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ; có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (thông qua tăng quyền của chủ nợ); minh bạch thông tin về nợ xấu và tài sản bảo đảm...

Đối với kế hoạch thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, để bảo đảm công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025…

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/979585/cac-to-chuc-tin-dung-tich-cuc-thuc-hien-tai-co-cau-xu-ly-no-xau