Các tôn giáo tỉnh Đồng Nai đoàn kết thi đua yêu nước
Trong ngôi nhà chung - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, năm 2019, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và đạt được kết quả khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.
Theo báo cáo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2019, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các lĩnh vực được Nhà nước xã hội hóa (y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, từ thiện xã hội…) với số tiền hơn 280 tỷ đồng, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như:
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong phong trào xã hội hóa giao thông, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào tín đồ các tôn giáo tham gia đóng góp hơn 24,3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để nhựa hóa, bê tông hóa, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông nông thôn; lắp đặt cống thoát nước; nạo vét kênh mương; lắp đặt đèn đường; camera giám sát an ninh… Sự đóng góp tích cực của đồng bào các tôn giáo đã góp phần làm cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng lan tỏa sâu rộng và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đến nay, cuộc vận động tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng như:133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới;937/962 ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 97,4%, 98,89% hộ gia đình văn hóa; 100% ấp, khu phố đăng ký thực hiện xây dựng ấp, khu phố văn hóa với chủ trương nâng cao chất lượng gắn với thực hiện chương trình “4 giảm”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 100% khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo đã có quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan..., góp phần đẩy lùi thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.....
Trong lĩnh vực giáo dục, các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường dạy nghề; động viên các gia đình “Đưa trẻ đến trường”; ủng hộ kinh phí xây dựng và sửa chữa trường, lớp, trang thiết bị học tập; tham gia hỗ trợ chi phí học tập, tặng học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học… Tổng số tiền đồng bào các tôn giáo tham gia sự nghiệp giáo dục trong năm 2019 là hơn 71,3 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế, các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, tu sỹ, đồng bào tín đồ tham gia với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như: Mở phòng khám đa khoa, Đông, Tây y; phòng chẩn trị y học cổ truyền; phòng thuốc Nam, thuốc Bắc... với các hoạt động thiết thực như: Khám, chữa bệnh; bốc thuốc miễn phí; tổ chức đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu, vùng xa; tham gia hỗ trợ các chương trình y tế tại địa phương; tham gia tư vấn về y tế, chăm sóc sức khỏe… Tổng số tiền các tôn giáo tham gia các hoạt động y tế trong năm 2019 là hơn 29,4 tỷ đồng.
Tham gia hoạt động bảo trợ xã hội, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thành lâp được 39 cơ sở bảo trợ xã hội (Công giáo: 17 cơ sở; Phật giáo: 21 cơ sở; Phật giáo Hòa Hảo: 01 cơ sở) đang chăm sóc, quản lý khoảng 2.000 đối tượng (người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, tâm thần, bệnh hiểm nghèo…). Các cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục các đối tượng thuộc diện trợ giúp của xã hội… với kinh phí hàng năm khoảng 19 tỷ đồng.
Trong năm 2019, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục được 16 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đưa vào chương trình sinh hoạt tôn giáo để vận động tín đồ thực hiện; các tổ chức tôn giáo cơ sở tích cực phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường và nhiều mô hình giáo xứ, cơ sở thờ tự “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; thực hiện chương trình nước sạch nông thôn; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái như: trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự; thả cá cải tạo môi trường nước, cân bằng hệ sinh thái tại các dòng sông, lòng hồ; dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm...
Kết quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 144 khu dân cư vùng đồng bào các tôn giáo thành lập “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” và nhiều mô hình cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường đã và đang hoạt động thiết thực, hiệu quả như: mô hình “Khu nhà Đại đoàn kết vệ sinh - sạch đẹp” (Giáo xứ Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu); mô hình “Cộng đoàn giáo xứ Chính tòa và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường gắn với đô thị văn minh”; mô hình “Giáo xứ Vinh Sơn và nhân dân tổ 4, ấp 18 Gia Đình và tổ 7, ấp Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với xây dựng tuyến đường kiểu mẫu”; mô hình “Nhân dân ấp Bàu Cối và phật tử chùa Huyền Trang tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”…