Các trường đại học không được tuyển sinh chương trình chất lượng cao?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, một số ý kiến cho rằng việc này ảnh hưởng đến đào tạo và tuyển sinh của các trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương trình đào tạo mang tên "chất lượng cao" sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học từ năm sau.

Không được tuyển sinh "chương trình chất lượng cao"?

Ngày 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.

Theo Thông tư 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12. Như vậy, năm nay là năm cuối cùng các trường đại học được tuyển sinh những chương trình mang tên "chất lượng cao."

Trước đó, Thông tư 23 ban hành năm 2014 quy định chương trình đào tạo đại học trong nước gồm hai loại hình là đại trà và chất lượng cao. Chương trình chất lượng cao có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà.

Về cơ sở vật chất, các trường đại học phải bố trí phòng học riêng cho lớp đào tạo chất lượng cao. Các phòng này được trang bị máy tính kết nối mạng Internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập. Mỗi sinh viên chương trình chất lượng cao có nơi tự học ở trường, được sử dụng mạng Internet không dây.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao phải cao hơn của chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).

Về học phí, chương trình đại trà phải tuân thủ quy định về trần học phí của Chính phủ. Còn với chương trình chất lượng cao, các trường có thể tự quyết định học phí.

Khuyến khích xây dựng các chương trình đào tạo đại học vượt chuẩn

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, một số ý kiến cho rằng việc này ảnh hưởng đến đào tạo và tuyển sinh của các trường.

Chia sẻ rõ hơn về việc bãi bỏ các quy định của Thông tư 23, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đây là việc cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Cụ thể: Khoản 6 Điều 65 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.”

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Như vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao.”

Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các quy định khác liên quan đến đào tạo.

Việc xây dựng và thực hiện các “chương trình chất lượng cao” (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-truong-dai-hoc-khong-duoc-tuyen-sinh-chuong-trinh-chat-luong-cao/868968.vnp