'Giảng dạy ở trường Y là một hành trình không ngừng nghỉ của sự học hỏi, cầu thị'

Là một bác sĩ nhưng không được làm lâm sàng, nhiều khi tôi cũng cảm thấy buồn do không được trực tiếp điều trị cho người bệnh, không có sự gắn kết thực tế với người bệnh như nhiều bạn bè cùng tốt nghiệp Trường Y.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với cá nhân tôi là cơ hội để tôi nhìn lại chặng đường giảng dạy mà mình đã và đang theo đuổi. Là một giảng viên tại Trường Đại học Y tế Công cộng giảng dậy môn Thống kê và Phương pháp nghiên cứu khoa học.

Công việc của tôi không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn tham gia các hoạt động dự phòng bệnh tật, một lĩnh vực mang tính chiến lược trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thống kê và Phương pháp nghiên cứu khoa học không phải môn dễ học, dễ hiểu từ những lần đầu, các kiến thức được truyền tải chỉ có ý nghĩa khi được áp dụng trên thực tế, vì vậy việc khiến học viên, sinh viên hiểu, áp dụng và tiến tới "yêu thích" các môn học này là áp lực lớn đối với tôi cũng như các đồng nghiệp.

Không ít lần tôi và đồng nghiệp phải suy nghĩ: làm sao để học viên, sinh viên thực sự cảm thấy hứng thú với môn học này? Liệu những kiến thức chúng tôi truyền đạt có đủ để các em áp dụng vào thực tế công việc? Sự lo lắng này không chỉ xuất phát từ bản thân tôi, mà còn từ việc hiểu rằng thế hệ trẻ ngày nay không chỉ cần các bài giảng lý thuyết, mà cần sự kết nối với thực tế nghề nghiệp.

PGS. Bùi Thị Tú Quyên trong một lần tham gia Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

PGS. Bùi Thị Tú Quyên trong một lần tham gia Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Với sự phát triển của công nghệ và sự bùng nổ về thông tin, việc tìm kiếm một bài giảng lý thuyết hay thực sự không khó. Cái khó là lý thuyết đó áp dụng thế nào vào thực tế, đặc biệt là với các cán bộ Y tế quen với thực hành lâm sàng hàng ngày. Sự hoài nghi về việc liệu mình có thể giúp học viên, sinh viên một chút nào đó vào việc phát triển nghề nghiệp của họ? luôn hiện hữu trong tôi. Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng chính những khoảnh khắc nhìn thấy học viên, sinh viên tự tin khi trao đổi, áp dụng kiến thức vào thực tế, là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục đi trên con đường này.

Là một bác sĩ nhưng không được làm lâm sàng, nhiều khi tôi cũng cảm thấy buồn do không trực tiếp điều trị cho người bệnh, không có sự gắn kết thực tế với người bệnh như nhiều bạn bè cùng tốt nghiệp Trường Y.

Tuy nhiên, việc được giảng dạy trong trường Y và dạy các môn học về y là cách tôi đóng góp phần nhỏ vào nâng cao chất lượng nghiên cứu y học thông qua việc giúp đào tạo các thế hệ bác sĩ, nhà nghiên cứu với phương pháp vững vàng để đưa thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Khi đã trải qua nhiều năm giảng dạy và có cơ hội làm việc với các cán bộ y tế ở nhiều lĩnh vực và chuyên ngành ở nhiều địa phương, tôi nhìn nhận công việc của mình như một hành trình không ngừng nghỉ của sự học hỏi và trao đổi, công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh thần cầu thị.

Bên cạnh vai trò là giảng viên, tôi cũng là một học viên - tôi học từ chính đồng nghiệp, học từ các đối tác cùng làm việc, học từ chính học viên, sinh viên của mình. Những đợt đi thực địa tại các địa phương, dù trong quá trình triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án hay đi hỗ trợ học viên, sinh viên cũng giúp tôi càng hiểu sâu sắc rằng công tác giảng dạy không chỉ nằm trong giảng đường, mà còn gắn liền với việc đưa lý thuyết vào thực tiễn.

Tôi luôn hy vọng học viên, sinh viên sẽ nhìn nhận các nội dung đã học như Phương pháp nghiên cứu khoa học hay thậm chí Thống kê, không chỉ là nội dung học thuật, trả bài trên lớp mà còn là công cụ góp phần giải quyết những vấn đề sức khỏe tại địa phương.

Năm nào cũng có một ngày, ngày trọn vẹn các thầy cô nhận được sự yêu thương từ những học viên, sinh viên mới và cũ. Ngày hôm nay, tôi nhận được những lời chúc từ sinh viên, đồng nghiệp và gia đình. Đó là một nguồn động lực lớn lao để tôi tiếp tục công việc "đưa đò", tiếp tục sống trọn vẹn với ý nghĩa của nghề cao quý này.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc các thầy cô, các bạn đồng nghiệp cùng các em học viên, sinh viên một ngày lễ đong đầy tình cảm, niềm vui. Các thầy, các cô, các bạn đồng nghiệp, các em học viên, sinh viên cũng chính là những người thầy, người cô của tôi trên con đường sự nghiệp và tôi luôn biết ơn vì điều đó!

PGS. Bùi Thị Tú Quyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giang-day-o-truong-y-la-mot-hanh-trinh-khong-ngung-nghi-cua-su-hoc-hoi-cau-thi-16924111912441121.htm