Các trường học ở Hà Tĩnh hưởng ứng mùa khai giảng 'không bóng bay'
Lá thư đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học của em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội), gửi thầy hiệu trưởng đã làm lay động trái tim nhiều người trong thời gian qua. Nhiều trường học tại Hà Tĩnh cũng lên tiếng ủng hộ lời đề nghị văn minh này.
Thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng như lời gửi gắm ước mơ của các em học sinh, thế nhưng, hành động này vô tình lại gây ô nhiễm môi trường, giết chết nhiều loại chim và rùa biển... (Ảnh Hoài Nam)
Nhiều năm trở lại đây, đề xuất không thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng đã được một số trường học thực hiện, nhưng trên thực tế số lượng này là không nhiều. Khi bóng bay được thả lên trời, thực chất đó là thải rác thải nhựa ra môi trường và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Một quả bóng bay được thả lên không trung đang giết chết những con chim biển và rùa biển vì chúng đang làm tắc nghẽn bên trong đường tiêu hóa của chúng.
Hiểu được những vấn đề đó, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội) đã viết thư điện tử và gửi tới hơn 40 trường học ở thủ đô đề nghị không thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng sắp tới. Bức thư ngắn gọn nhưng khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ. Trong thư, Nguyệt Linh trình bày lý do không nên thả bóng bay trong ngày khai giảng với lập luận dựa trên kiến thức mà em tìm hiểu được.
Không chỉ thuyết phục được Hiệu trưởng Trường Marie Curie và 4 hiệu trưởng khác mà bức thư của Nguyệt Linh còn gây ấn tượng với nhiều trường học tại Hà Tĩnh. Cô Hà Thị Tuyết Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế Trung Kiên bày tỏ bất ngờ trước ý tưởng tuyệt vời của một học sinh nhỏ tuổi và cho biết việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh đã được nhà trường hết sức quan tâm.
Trường Mầm non Quốc tế Trung Kiên là một trong những ngôi trường đầu tiên đồng ý đưa chủ trương không sử dụng bóng bay trong ngày lễ khai giảng.
"Mặc dù không phải là nơi trực tiếp nhận được bức thư của bé Nguyệt Linh nhưng trường chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vấn đề này. Thật ra trong khoảnh khắc đầu năm học, nếu chứng kiến cảnh thả bóng bay lên trời sẽ có rất nhiều cảm xúc. Nhưng khi môi trường bị đe dọa như hiện nay thì nhà trường sẽ không sử dụng bóng bay để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí".
Năm học này, các bạn nhỏ sẽ được cùng thầy cô, bố mẹ treo cây nguyện ước với những lời mong ước, lời chúc của mình cho năm học mới.
Cô Tuyết Nhung cũng cho rằng vẫn có nhiều hoạt động khác có ý nghĩa và tạo không khí trong ngày khai giảng không kém việc thả bóng bay. Chẳng hạn như thực hiện cây ước nguyện - thể hiện những mong ước, lời chúc của các em nhỏ về một năm học thuận lợi, những quyết tâm trong năm học sắp tới.
Mọi năm, Trường Tiểu học Bắc Hà thường tổ chức lễ khai giảng ở sân trường và thả bóng bay. Nhưng để ủng hộ, năm nay trường sẽ không thực hiện hoạt động này nữa.
"Thay vì không sử dụng bóng bay, năm nay, trường chúng tôi sẽ chủ động tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao ý nghĩa thay thế, giúp học sinh vẫn có trọn vẹn niềm vui mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới môi trường. Việc làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mong muốn giáo dục các em biết ý thức bảo vệ cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ" - cô Phan Thị Mỹ Linh (Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bắc Hà) cho biết.
Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà luyện tập nghi thức Đội cho ngày lễ khai giảng thêm tưng bừng, khí thế.
Không chỉ trường mầm non, tiểu học mà nhiều trường THPT, đại học cũng sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân - Bí thư Đoàn trường Tiểu học, THCS, THPT - Đại học Hà Tĩnh, chia sẻ: "Đã nhiều năm nay, trường không thả bóng bay ngày khai giảng. Việc sử dụng bóng bay với khí hydro và heli là nguy hiểm. Chưa kể, việc thả bóng bay có thể gây ảnh hưởng đến môi trường cho nên năm học mới sắp tới, chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt tình chủ trương này".
Phá bỏ thông lệ hằng năm, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh đều đồng tình ủng hộ không sử dụng bóng bay với khí hydro và heli gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh Hoài Nam)
Không tổ chức cho học sinh thả bóng bay, tùy theo điều kiện từng trường mà có hình thức chào đón năm học mới phù hợp, sáng tạo chẳng hạn như cho học sinh tung hoa giấy, thả chim bồ câu, treo cây nguyện ước... chính là những bước thay đổi từ nhận thức sang hành động bảo vệ môi trường của các thầy cô giáo và các em học sinh.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh và trở thành việc làm thường xuyên về phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, các trường học ngoài việc không sử dụng bóng bay còn tổ chức làm vệ sinh môi trường và tăng cường trồng hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường, để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.
Nguyên văn bức thư Nguyệt Linh gửi tới các trường học trên Hà Nội:
"Hà Nội, ngày 24 tháng 7, năm 2019.
Kính thưa Thầy/Cô hiệu trưởng,
Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội.
Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ. Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp:
Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển.
Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.
Con xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Nguyệt Linh (Marie Curie)".