Các trường tư vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, tiếp cận quỹ đất

Thực tế cho thấy các trường tư vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư và mở rộng quỹ đất, gây cản trở lớn đến khả năng phát triển bền vững.

.t1 { text-align: justify; }

Theo Nghị quyết 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ chính trị tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế” có nội dung tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Cần tạo điều kiện để trường ngoài công lập được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà bày tỏ, nếu không có cơ chế vay vốn hợp lý hoặc không có nhà đầu tư chiến lược thì các trường ngoài công lập sẽ rất khó duy trì hoạt động và việc phát triển bền vững.

“Hiện nay, về tình hình chung, hệ thống giáo dục ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cũng như trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Nguồn thu chủ yếu của nhà trường là học phí, tuy nhiên nếu dựa trên khoản kinh phí này thì không đủ để chi trả chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, việc xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô nhà trường.

Mặc dù được trao quyền chủ động trong công tác tuyển sinh, nhưng nhà trường vẫn phải tuân theo giới hạn chỉ tiêu là 500 sinh viên mỗi năm. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng mở rộng quy mô đào tạo cũng như khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ người học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung chia sẻ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (trụ sở chính tại Bắc Ninh). Ảnh: website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (trụ sở chính tại Bắc Ninh). Ảnh: website nhà trường

Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà cho biết thêm, việc vay vốn từ ngân hàng cũng không khả thi do đặc thù hoạt động giáo dục có thời gian hoàn vốn dài và dòng tiền không ổn định. Nếu phải vay vốn với lãi suất cao, các trường sẽ không đủ khả năng trả lãi và gốc, dẫn đến rủi ro tài chính.

Trong bối cảnh này, cơ sở giáo dục ngoài công lập buộc phải tìm kiếm những nhà đầu tư đồng hành để chia sẻ gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, chưa có chính sách cụ thể và rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính ổn định và bền vững cho đơn vị giáo dục tư thục.

Thầy Trung kiến nghị: “Cần tạo điều kiện để trường ngoài công lập được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Để phát triển toàn diện, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà vẫn luôn mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, đặc biệt trong các mục tiêu đòi hỏi nguồn vốn lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ, đào tạo ngành nghề mới,...”.

Chính sách về đất đai chưa linh hoạt, khó thu hút đầu tư bên ngoài

Cùng trao đổi về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô chia sẻ, trong quá trình phát triển và mở rộng quy mô, nhà trường đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách về đất đai, thuế và cơ chế vay tín dụng.

Theo thầy Luận thông tin, về vấn đề đất đai, phần lớn diện tích đất nhà trường được giao để phát triển là đất “da beo”, tức là đất đan xen giữa khu vực đã có hạ tầng với những vùng chưa được xây dựng. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác tổ chức không gian, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và triển khai quy hoạch dài hạn một cách hiệu quả.

Vì vậy, nhà trường phải chủ động thương lượng và mua lại đất từ người dân với giá thị trường khá cao, nhằm đảm bảo mặt bằng phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất. Đến nay, nhà trường đã tích lũy được khoảng 9 hecta đất, trong khi quy hoạch của thành phố là 12 hecta. Việc hoàn thiện diện tích đất đúng theo quy hoạch vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do giá đất cao và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành của nhà nước, quỹ đất dành cho giáo dục được cho thuê với thời hạn là 50 năm. Trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số vướng mắc đáng kể.

“Nhà trường là đơn vị chủ động thương lượng và bỏ kinh phí lớn để mua lại đất từ người dân theo giá thị trường, nhưng không được quyền sở hữu lâu dài. Thay vào đó, toàn bộ phần đất đã thu mua phải hiến lại cho nhà nước, sau đó nhà nước mới tiến hành nhất thể hóa và làm thủ tục cho thuê lại toàn bộ diện tích 12 hecta theo hình thức thuê đất có thời hạn 50 năm.

Cơ chế trên tạo ra sự thiếu công bằng đối với nhà đầu tư giáo dục, khi họ bỏ ra chi phí lớn để tích lũy quỹ đất nhưng không được đảm bảo quyền lợi tương xứng. Điều này gây tâm lý e ngại và làm giảm động lực đầu tư vào cơ sở giáo dục ngoài công lập từ những nguồn lực bên ngoài.

Do đó, thay vì chỉ cho thuê 50 năm, nên có chính sách linh hoạt hơn như gia hạn thời gian thuê, thậm chí là chuyển sang hình thức thuê ổn định lâu dài. Nhất là đối với những cơ sở đã tự đầu tư tài chính để hình thành quỹ đất phục vụ giáo dục. Đây là yếu tố then chốt để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư và giúp các trường mạnh dạn hơn trong việc mở rộng quy mô đào tạo”, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô nhận định.

 Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ). Ảnh: website nhà trường

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ). Ảnh: website nhà trường

Thầy Luận cho biết thêm, nhà trường muốn xây dựng một tòa nhà 9 tầng để phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo, nhưng chưa thể triển khai trong 5 năm qua do vướng mắc về mở rộng diện tích đất, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng hoàn toàn (vừa là đất ở, vừa là đất nông nghiệp); cùng một số rào cản về thủ tục hành chính liên quan đến quy chuẩn môi trường, phòng cháy chữa cháy,....

Về tín dụng và hỗ trợ tài chính, thầy Luận cho hay, ở giai đoạn khởi nghiệp, nhà trường nhận được sự hỗ trợ từ một số quỹ địa phương, góp phần hình thành cơ sở vật chất ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quá trình tiếp cận vốn từ ngân hàng hoặc các nguồn tín dụng ưu đãi là gần như không có. Các thủ tục vay vốn còn nhiều vướng mắc và chưa có chính sách cụ thể dành riêng cho cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù dành riêng cho cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm: ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng trường học, cơ chế bảo lãnh tín dụng thông qua quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục và cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế cũng chưa thật sự rõ ràng và hiệu quả trong việc khuyến khích đầu tư vào giáo dục ngoài công lập. Cần có những chính sách cụ thể như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận tái đầu tư vào trường học, hoặc ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với các khoản đầu tư vào thiết bị đào tạo, công nghệ dạy học.

Nếu được hỗ trợ hiệu quả về tín dụng và đầu tư, nhà trường mong muốn tập trung nâng cấp các ngành có tiềm năng lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhóm ngành khoa học sức khỏe, công nghệ thông tin, kỹ thuật và những lĩnh vực cần nhiều thiết bị thực hành hiện đại. Đây là những ngành đòi hỏi thiết bị hiện đại, công cụ thực hành chuyên sâu, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn vì chi phí quá cao, nếu không đầu tư kịp thời sẽ rất nhanh lạc hậu.

Cuối cùng, để có thể huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài, nhà nước cũng cần tạo cơ chế hợp tác công – tư rõ ràng, minh bạch để các bên yên tâm đồng hành cùng giáo dục.

 Trường Đại học Tây Đô là trường đại học tư thục đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo đa ngành với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Tây Đô là trường đại học tư thục đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo đa ngành với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: website nhà trường

Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô bày tỏ: “Hy vọng trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn từ chính sách của nhà nước, không chỉ về mặt định hướng mà còn là những hành động thiết thực để tháo gỡ nút thắt, mở rộng cơ hội phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia”.

Bảo Hân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cac-truong-tu-van-gap-nhieu-kho-khan-trong-thu-hut-dau-tu-tiep-can-quy-dat-post251145.gd