Các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL đang thiếu 26 triệu m3 cát đắp nền đường

Theo tính toán của Bộ GTVT, đến cuối tháng 5/2024, khối lượng vật liệu cát đắp phục vụ thi công các tuyến đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ vẫn còn 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.

Liên quan đến tiến độ cung ứng vật liệu các đắp nền đường cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, phía Bộ GTVT cho biết nguồn cung cát vẫn còn thiếu và công suất khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu thi công cho nhà thầu.

Hàng loạt các dự án thành phần cao tốc trong khu vực phía Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn cung cát đắp nền đường và cần thiết sớm bổ sung để thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến độ.

Hàng loạt các dự án thành phần cao tốc trong khu vực phía Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn cung cát đắp nền đường và cần thiết sớm bổ sung để thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến độ.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (gồm Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh;

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau; 4 Dự án thành phần cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; 2 dự án thành phần cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; 3 Dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; 4 dự án thành phần đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh).

Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án khoảng 63 triệu m3, nguồn cung vật liệu cát đắp tập trung chủ yếu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang. Tính đến cuối tháng 5/2024, các bên liên quan đã xác định được nguồn cung cho 37/63 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.

Trong số đó, dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau xác định được khoảng 16/18,5 triệu m3, còn thiếu 2,98 triệu m3; Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng xác định được khoảng 18,5/29 triệu m3, còn thiếu khoảng 10,5 triệu m3; Dự án Cao Lãnh-An Hữu xác định được khoảng 2,3/3,25 triệu m3, còn thiếu khoảng 1 triệu m3.

Bộ GTVT cũng chỉ ra thực tế hiện công suất khai thác tại các mỏ cát đã cấp cũng chưa chưa đáp ứng tiến độ thi công, chỉ đạt trung bình 20.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau là 50.000-60.000 m3/ngày.

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Đối với nguồn cát biển, theo phía Bộ GTVT, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác. Tuy nhiên, đến nay các thủ tục cấp mỏ để nhà thầu vào khai thác vẫn chưa hoàn thành.

Để xử lý dứt điểm các vướng mắc về vật liệu cát đắp, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) phối hợp chặt chẽ với tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để tiếp tục rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng cho các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025.

Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho phép các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị và thời gian khai thác trong ngày đối với các mỏ đang khai thác trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ sạt lở; cấp thêm mỏ mới, ưu tiên nguồn mua thương mại để đáp ứng tiến độ của dự án. Tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng cần sớm triển khai các thủ tục cấp mỏ cát biển cho nhà thầu để có thể khai thác phục vụ thi công trong tháng 6 này.

Việc thí điểm dùng cát biển làm nền các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang được thử nghiệm.

Việc thí điểm dùng cát biển làm nền các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang được thử nghiệm.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng có công điện gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về việc xử lý các vướng mắc để sớm khai thác ba mỏ cát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cung ứng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).

Ba mỏ cát gồm mỏ cát trên sông Hậu (nhánh trái) tại khu vực thuộc xã Thiện Mỹ và xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn với trữ lượng 0,75 triệu m3; mỏ cát san lấp trên sông Hậu (nhánh trái) thuộc thị trấn Trà Ôn, xã Lục Sĩ Thành và xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn với trữ lượng 0,56 triệu m3; mỏ cát sông Hậu (nhánh trái) thuộc xã Tích Thiện và xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn với trữ lượng 1,1 triệu m3.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được khởi công từ tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

Để bảo đảm đủ nguồn vật liệu cát cho dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương bố trí đủ nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay 5 triệu m3 cát.

Được sự quan tâm chỉ đạo, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay Vĩnh Long đã bàn giao cho nhà thầu được mỏ Vũng Liêm 5 với trữ lượng 0,5 triệu m3, hiện đang khai thác.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 110km và cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nền đường.

Sau nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với sự nỗ lực của tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long và chủ đầu tư, các địa phương đã xác định được nguồn bố trí cho dự án khoảng 16 triệu m3 cát. Tuy nhiên đến nay, dự án chỉ mới tiếp nhận được 3 triệu m3, đạt 26%.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cac-tuyen-cao-toc-vung-dbscl-dang-thieu-26-trieu-m3-cat-dap-nen-duong-post1100644.vov