Các ứng dụng iPhone được tải xuống nhiều nhất 2024: Nỗi ám ảnh của nhiều người dùng với khuyến mãi giảm giá
Danh sách ứng dụng yêu thích trên Apple App Store 2024 có các nền tảng mạng xã hội và một trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến, nhưng cái tên được tải xuống nhiều nhất năm lại là Temu.
Theo Apple, ứng dụng thương mại điện tử Temu thuộc tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc) đã được tải xuống nhiều lần trong năm nay hơn TikTok, Threads hoặc ChatGPT. Temu trở nên nổi tiếng với các mức giảm giá lớn cho nhiều sản phẩm khác nhau, từ đồ dùng công nghệ đến quần áo.
Temu đặc biệt phổ biến với người tiêu dùng Gen Z tại Mỹ. Theo công ty phân tích ứng dụng Appfigures, những người thuộc Gen Z từ 18 đến 24 tuổi đã tải xuống Temu 42 triệu lần trong 10 tháng đầu năm 2024, công ty này đã thu thập dữ liệu từ người dùng iOS và Android.
Apple cho biết sở dĩ Temu vượt qua các ứng dụng nổi tiếng khác nhờ vào các chương trình khuyến mãi giảm giá và sản phẩm giá rẻ, từ thiết bị công nghệ đến quần áo…
Temu đã ra mắt tại Mỹ vào năm 2022 và đã có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ đó. Doanh số quý 3/2024 của PDD Holdings tăng 44% lên 14,2 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023, theo tỷ giá hối đoái vào ngày 30.9.
PDD Holdings đã đầu tư hàng triệu USD để tiếp thị với người mua sắm tại Mỹ. Ba quảng cáo của Temu đã được phát sóng trong sự kiện Super Bowl, nơi đoạn quảng cáo 30 giây trong trận đấu bóng bầu dục được xem nhiều nhất này có thể tiêu tốn 7 triệu USD.
Do ông Donald Trump đe dọa áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, mức độ phổ biến của Temu có thể bị đe dọa nếu công ty này phải tăng giá để bù đắp mức thuế có thể lên tới 60% với các sản phẩm của mình.
Shein là ứng dụng thương mại điện tử khác của Trung Quốc cũng lọt vào top 20 được tải nhiều nhất trên iOS trong năm 2024. Khác với Temu, Shein là sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng là phái nữ và giới trẻ.
Ứng dụng từ các nhà bán lẻ Amazon và McDonald's cũng lọt vào danh sách 20 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất của Apple App Store trong năm nay, cho thấy người tiêu dùng đang săn lùng các ưu đãi trên nhiều danh mục khác nhau.
McDonald's đã thành công khi sử dụng các chương trình khuyến mãi trong ứng dụng có mục tiêu để xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Đầu năm nay, người đứng đầu chuỗi nhà hàng McDonald’s tại Mỹ cho biết các khách hàng trung thành ghé thăm thường xuyên hơn 15% và chi tiêu gần gấp đôi so với những khách hàng không trung thành, với doanh thu từ nền tảng khách hàng thân thiết dự kiến đạt 45 tỉ USD vào năm 2027.
Về phần mình, Amazon đang cố gắng cạnh tranh với Temu và Shein bằng cách tập trung vào các sản phẩm giá rẻ trong mục đặc biệt là Haul, cũng là trải nghiệm mua sắm chỉ có trong ứng dụng của gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ.
Như Laxman Narasimhan (cựu Giám đốc điều hành Starbucks) từng nói: "Ưu đãi tốt nhất là trong ứng dụng ".
Meta Platforms và Alphabet là hai công ty có số lượng sản phẩm góp mặt trong danh sách ứng dụng được tải về nhiều nhất (4) trên iOS trong năm 2024.
Các ứng dụng của Meta Platforms gồm Threads (thứ 2), Instagram (thứ 6), WhatsApp (thứ 7) và Facebook (thứ 13). Alphabet có Google (thứ 5), YouTube (thứ 9), Gmail (thứ 10) và Google Maps (thứ 11).
Temu xâm nhập vào thị trường Việt Nam gần đây, tạo nên cơn sốt và thu hút nhiều người dùng cài đặt ứng dụng ứng dụng trên thiết bị của mình. Thế nhưng, nhiều người dùng tại Việt Nam nhận ra chất lượng các sản phẩm trên Temu không tốt như quảng cáo.
Hơn nữa, đầu tháng 12, Temu phải dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Hôm 5.12, người phát ngôn Temu khẳng định doanh nghiệp đã nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết để đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị này nêu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết vẫn đang tiến hành rà soát hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại điện tử của sàn này nên đã yêu cầu Temu tạm dừng hoạt động.
"Sau khi làm việc với Cục, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử Temu thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử", đại diện cơ quan quản lý cho biết.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã tiến hành rà soát và yêu cầu sàn này bổ sung hồ sơ. Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần 2 và cơ quan quản lý đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định.
"Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, sàn này đã triển khai thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số. Cụ thể, tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động", theo cơ quan quản lý thông tin.
Cơ quan này đã yêu cầu Temu cảnh báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Cảnh báo này để người tiêu dùng biết đây là website, ứng dụng chưa được cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.
"Gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ các sản phẩm, hàng hóa có khuyến mại trên 50% được gỡ bỏ theo quy định. Ngoài ra, sàn này phải bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam", Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay.
Ngày 4.12, website hay ứng dụng của Temu không còn hiển thị phiên bản tiếng Việt, chỉ còn phiên bản tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc. Từ tháng 11, sàn này cũng không còn quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người dùng Việt.
Dòng thông báo "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam" vẫn hiển thị trên website và ứng dụng mỗi khi người dùng truy cập nhưng đều bằng tiếng Anh. Đáng chú ý, một số người dùng phản ánh vài đơn hàng đã đặt từ tháng 11 trên trang thương mại điện tử Temu song vẫn chưa nhận được hàng.
Theo cơ quan hải quan, hiện sàn này chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan. Do đó, sau khi Bộ Công Thương cấp phép hoạt động với Temu, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử bình đẳng như các nhà cung cấp, xuất nhập khẩu khác.