Các vấn đề liên quan đến thu hồi đất làm 'nóng' nghị trường sáng 14/11

Trong phiên thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi sáng 14/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thu hồi đất là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong sửa luật lần này, bởi thu hồi đất và chuyển quyền sở hữu sang một chủ thể khác luôn tiềm ẩn phát sinh những mâu thuẫn dẫn tới khiếu kiện.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 14/11, Các đại biểu Quốc hội cho rằng khi sửa Luật Đât đai cần quy định rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh xảy ra khiếu kiện khi lợi ích không hài hòa giữa các bên.

Thu hồi đất phải đủ các điều kiện cần thiết

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu, Hiến pháp quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện “thật cần thiết”, theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Như vậy có thể hiểu là cho dù Nhà nước có thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đi chăng nữa thì vẫn cần phải có yếu tố “thật cần thiết” và phải được quy định trong Luật. Tuy nhiên, dự thảo không có quy định thế nào là trường hợp “thật cần thiết”, bà Hoa nhận xét.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Đại biểu nêu rõ, trên thực tế thời gian qua, khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Như vậy, sẽ tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của mình, có trường hợp tạo ra sự lạm dụng.

Hệ quả là, có nhiều dự án sau khi được Nhà nước thu hồi đất và phê duyệt thì 10 – 20 năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang. Hoặc có dự án sau một thời gian triển khai thì thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, không giữ được mục đích ban đầu khi lập dự án. Như vậy, yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm và không thực hiện đúng ở những dự án này.

Do đó, đại biểu cho rằng, để tránh những trường hợp tùy tiện, lạm dụng nêu trên, cần quy định ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “thật cần thiết”, theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013.

Trong việc này Nhà nước phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của 3 bên, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) đề nghị cần làm rõ tiêu chí, tách biệt hoàn toàn các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế, thuần mục đích thương mại.

Ông Minh cho rằng, "Nhà nước không nên thu hồi đất để xây dựng đô thị, khu dân cư. Thời gian qua các dự án này mang lại lợi ích cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Nhưng việc này lại phát sinh rất nhiều khiếu kiện. Nguyên nhân là Điều 63 trong Luật hiện hành quy định rất chung chung", ông nói và đề nghị với các dự án thuần thương mại cần tiếp tục cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, tách biệt hoàn toàn với trường hợp thu hồi vì an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng.

Các đại biểu cũng cho rằng, vẫn nên cân nhắc vấn đề Nhà nước thu hồi đất, sau đó lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu đấu giá. Làm được như vậy thì phải có mặt bằng sạch. Vấn đề là Nhà nước phải thu hồi cần hài hòa 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá đất

Bên cạnh vấn đề về thu hồi đất, việc định giá đất như thế nào cũng được các đại biểu bàn luận và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân cần xem xét thấu đáo. Cần nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận trong chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp hay thỏa thuận về giá đất.

Đại biểu Bình đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổng kết từ thực tiễn, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài.

Theo Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng cùng một khu vực, nếu Nhà nước thu hồi đền bù theo giá Nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đó, điều kiện như nhau, doanh nghiệp thỏa thuận thì giá cao hơn. Do vậy phát sinh sự so bì và khiếu nại. Ông đề nghị xem xét việc định giá đất và có cơ chế kiểm soát thỏa thuận.

Về việc áp giá đền bù, đại biểu đánh giá cao quan điểm của cơ quan soạn thảo khi đền bù theo đơn giá xây dựng mới, chứ không theo hiện trạng thu hồi đất.

Cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá. (Ảnh minh họa).

Cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá. (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá.

Đại biểu đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật, đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “ phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Đồng thời, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.

Đông Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tin-tuc/cac-van-de-lien-quan-den-thu-hoi-dat-lam-nong-nghi-truong-sang-14-11-1089317.html