Các xã, phường mới ở Buôn Ma Thuột vẫn hưởng chính sách đặc thù khi kết thúc cấp huyện
Bộ Chính trị vừa có ý kiến đồng ý cho các xã, phường mới trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau khi sáp nhập vẫn tiếp tục những chính sách đặc thù đang thực hiện với thành phố hiện nay.
Sáng 9/5, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thiên Văn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, các xã, phường mới tương ứng với địa bàn TP Buôn Ma Thuột vẫn được hưởng các chính sách đặc thù sau sáp nhập.
Cụ thể, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cho phép các địa phương sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện đối với địa phương trước khi sáp nhập.
Trong đó, có việc cho phép các xã, phường mới tương ứng với địa bàn TP Buôn Ma Thuột được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù đã được cho phép thực hiện với TP Buôn Ma Thuột hiện nay.
Trước đó, ngày 15/11/2022, Quốc hội ra Nghị quyết số 72/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột như chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt…
Những chính sách này đang giúp TP Buôn Ma Thuột bứt phá. Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại sau khi bỏ cấp huyện, nếu không còn những chính sách đặc thù trên sẽ kìm hãm sự phát triển của TP Buôn Ma Thuột.
Tránh việc bị “đứt gãy chính sách”
Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho rằng, việc duy trì những chính sách đặc thù theo Nghị quyết 72 của Quốc hội giúp khẳng định sự nhất quán trong chính sách phát triển Buôn Ma Thuột, tránh gián đoạn trong quá trình sáp nhập hành chính, duy trì các nguồn lực để giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp, công trình tạo ra sự bứt phá cho TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hải Dương
Ông Nhật phân tích, việc duy trì những chính sách đặc thù giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư khi môi trường thể chế được đảm bảo liên tục, không “chờ chính sách” sau tái cấu trúc và cũng là minh chứng cho sự ổn định và tin tưởng của Trung ương đối với vai trò trung tâm vùng của Buôn Ma Thuột.
"Việc duy trì những chính sách đặc thù cũng tránh việc bị “đứt gãy chính sách” trong giai đoạn thành phố đang triển khai các chương trình lớn như quy hoạch mới, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số và đô thị thông minh...", ông Nhật nói.
Liên quan đến sắp xếp, sáp nhập bộ máy, TP Buôn Ma Thuột sẽ còn 6 đơn vị hành chính cấp phường xã sau sáp nhập gồm phường Buôn Ma Thuột, Tân An, Tân Lập, Thành Nhất, Ea Kao và xã Hòa Phú.