Đề xuất viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay (9/5).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sáng 9/5 (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sáng 9/5 (Ảnh: QH)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ - trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua rà soát, hoàn thiện, bám sát các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xử lý các vướng mắc, bất cập tại Luật Doanh nghiệp hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, hoàn thiện 16 nội dung so với Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15.

Trong đó có sửa đổi bổ sung đối tượng được thành lập doanh nghiệp, bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị định số 193 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, viên chức.

Để thể chế hóa quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025 ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Đồng thời, tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo kèm theo Tờ trình số 262 ngày 23/4/2025 của Chính phủ trình Quốc hội, nội dung này cũng được thể chế tại dự thảo Luật cho phép viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Do vậy, ông Thắng cho biết, việc bổ sung quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp nhằm thống nhất các quy định pháp luật hiện hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra, đối với nội dung này, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát các quy định có liên quan tại các dự án Luật cùng trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

Quy định thống nhất tại dự án Luật này các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác.

Các trường hợp cụ thể trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 57 về viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp là nội hàm chính sách của dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15; khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, khoản 7 Điều 49 và Điều 55 dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo Tờ trình số 262 ngày 23/4/2025 của Chính phủ đã có quy định về các điều kiện cụ thể này.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (Ảnh: QH)

Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (Ảnh: QH)

Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc nhắc lại quy định tại Luật Doanh nghiệp vừa không cần thiết, vừa tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm đồng bộ giữa các dự án Luật cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, vừa không rõ mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15 cùng là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành cùng quy định về một vấn đề.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan hậu kiểm để chặn doanh nghiệp "ma", vốn "ảo"

Một trong những điểm mấu chốt được sửa đổi trong dự án Luật này là bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp, là cá nhân thực tế nắm trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hay là cá nhân cuối cùng chi phối doanh nghiệp.

Các quy định về tăng giám sát, kiểm tra đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, chế tài xử lý với doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ cam kết, vốn ảo, khai khống... cũng được bổ sung tại dự luật.

Việc bổ sung này, theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhằm tăng minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hậu kiểm trước tình trạng doanh nghiệp "ma", vốn "ảo" hoặc núp bóng góp vốn, mua cổ phần chi phối thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc hoàn thiện quy định về chủ sở hữu hưởng lợi là cấp bách, để Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, trong bối cảnh Việt Nam đã bị đưa vào "danh sách xám" của FATF (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) từ tháng 6/2023.

Phiên họp sáng ngày 9/5 của Quốc hội bàn về sửa Luật Doanh nghiệp

Phiên họp sáng ngày 9/5 của Quốc hội bàn về sửa Luật Doanh nghiệp

Bộ trưởng Thắng cho biết, theo nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các nước trong danh sách này sẽ bị giảm sút đáng kể thu hút vốn FDI, giao dịch tài chính ra nước ngoài bị tính phí cao hơn... Do đó, trước tháng 5, Việt Nam cần có cơ chế cung cấp, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân.

Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng việc bổ sung và giao Chính phủ quy định chi tiết việc kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là phù hợp đổi mới trong xây dựng luật.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, giảm chi phí tuân thủ.

"Các hướng dẫn cần đầy đủ, chi tiết, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong tự do kinh doanh với chi phí thấp", ông Mãi lưu ý.

Dự luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng siết việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ khi tổng nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất).

Quy định này không áp dụng với tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để làm dự án bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi lần này còn gỡ bỏ những quy định đã lỗi thời như việc sử dụng chứng minh thư nhân dân trong đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu lý lịch tư pháp, hay định danh bằng tài khoản đăng ký kinh doanh cũ. Thay vào đó, hệ thống quản lý hiện đại sẽ tích hợp với nền tảng dữ liệu quốc gia, đồng bộ hóa quản trị theo hướng số hóa và minh bạch hóa.

Dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 10/5, thảo luận ở hội trường chiều 20/5 và thông qua vào chiều 13/6 tới.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/de-xuat-vien-chuc-duoc-tham-gia-thanh-lap-va-quan-ly-doanh-nghiep-post368947.html