Các yếu tố tiêu dùng lan tỏa không nhiều giá trị cho nền kinh tế Việt Nam

Các yếu tố ở cả cầu trung gian và cầu tiêu dùng cuối của Việt Nam hiện nay khi gia tăng cũng lan tỏa không nhiều vào giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm như lý thuyết. Chứng tỏ khả năng cung ứng của nền kinh tế còn hạn chế.

Quan hệ Keynes – Leontief cho rằng thay đổi các yếu tố của cầu cuối cùng sẽ lan tỏa đến giá trị sản xuất, từ đó lan tỏa đến giá trị tăng thêm. Theo Hệ thống tài khoản Quốc gia (SNA) và hệ thống đầu vào – đầu ra của Leontief, tổng cầu bao gồm cầu trung gian (cơ quan thống kê Việt Nam gọi là tiêu dùng trung gian) và cầu cuối cùng. Lưu ý rằng các phần tử của cầu bao gồm cả sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Gia tăng tổng cầu chỉ làm tăng giá và nhập siêu

Trên thực tế, tác động từ phía cầu trong ngắn hạn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nền kinh tế: Nếu khả năng cung hạn chế hoặc yếu kém thì việc gia tăng tổng cầu dù vì bất kỳ lý do gì về cơ bản chỉ làm tăng giá và nhập siêu mà thôi, thu nhập thực tế sẽ không thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu tiềm năng ở phía cung dồi dào và được cải thiện, sự gia tăng tổng cầu cuối cùng sẽ thực sự làm tăng sản lượng và thu nhập.

Giả sử rằng bảng đầu vào – đầu ra (Input-Output Table) năm 2012 đại diện cho giai đoạn 2010-2015 và bảng đầu vào – đầu ra (Input-Output Table) năm 2019 đại diện cho giai đoạn 2016-2022. Tính toán từ mô hình này cho thấy tác động lan tỏa từ tiêu dùng cuối cùng lên giá trị sản xuất bị giảm mạnh (-14,1%) và thu nhập đã giảm đi 20,4% giữa hai giai đoạn (2010-2015 và 2016-2022). Mức độ lan tỏa của cầu đầu tư vào giá trị sản xuất cũng giảm mạnh (-17,1%), nhưng tỷ lệ lan tỏa đến việc giảm giá trị gia tăng chỉ giảm vào khoảng 5,6%. Giai đoạn 2016-2022, xuất khẩu lan tỏa mạnh đến giá trị sản xuất (tăng 11,7%), nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm 13,3% so với giai đoạn 2010-2015; nhưng mặt khác, xuất khẩu lại có tác động mạnh đến nhập khẩu tăng 52% (bảng 1). Điều này khẳng định xuất khẩu hiện nay về cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu mạnh của khu vực kinh tế trong nước (hình 1).

Giá trị từ các yếu tố của FDI ngày càng giảm

Trong nghiên cứu này, đầu tư được chia thành đầu tư của khu vực nhà nước (Is), đầu tư của khu vực tư nhân trong nước (Ip) và đầu tư của khu vực FDI (If). Kết quả tính toán cho thấy, đầu tư của khu vực nhà nước giai đoạn 2016-2022 làm giá trị sản xuất và giá trị gia tăng giảm đi chút ít so với giai đoạn 2010-2015. Đầu tư tư nhân làm tăng cả sản lượng và giá trị gia tăng ở giai đoạn 2016-2022 so với giai đoạn 2010-2015. Đầu tư của khu vực FDI giai đoạn 2016-2022 tuy lan tỏa mạnh đến giá trị sản xuất hơn giai đoạn 2010-2015 (1,83 so với 1,7) nhưng lan tỏa đến giá trị tăng thêm lại giảm đáng kể (0,55 so với 0,65) (bảng 2). Điều này cho thấy mức độ gia công trong sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng gia tăng.

Trong tổng cầu cuối cùng, xuất khẩu được tách rời giữa xuất khẩu của FDI (Ef) và xuất khẩu của khu vực nội địa (Ed), chúng ta có thể thấy xuất khẩu khu vực FDI lan tỏa đến giá trị gia tăng và thu nhập từ sản xuất ngày càng thấp. Xuất khẩu của khu vực này 100 đồng giai đoạn 2010-2015 lan tỏa đến giá trị tăng thêm 28 đồng, đến giai đoạn 2016-2022 xuất khẩu của khu vực FDI chỉ lan tỏa đến giá trị tăng thêm 18 đồng; hơn nữa 100 đồng xuất khẩu của khu vực này giai đoạn 2010-2015 chỉ lan tỏa đến thu nhập của người lao động 20 đồng, đến giai đoạn 2016-2022, 100 đồng xuất khẩu của khu vực này chỉ lan tỏa đến thu nhập của người lao động trong nước 15 đồng (bảng 3).

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-yeu-to-tieu-dung-lan-toa-khong-nhieu-gia-tri-cho-nen-kinh-te-viet-nam/