Các YouTuber Pakistan nỗ lực lên án sự nguy hiểm của việc di cư bất hợp pháp đến châu Âu

Những vấn đề về chính trị, kinh tế, thiên tai và một lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài khiến nhiều người Pakistan mạo hiểm di cư bất hợp pháp.

Năm 2017, chàng thanh niên người Pakistan Asad Ali đã quyết định rời quê nhà tìm đến "thiên đường được hứa hẹn" Thổ Nhĩ Kỳ. Quá mệt mỏi vì phải đi bộ, Ali đầu hàng giữa chừng ở Iran và bị trục xuất trở lại Pakistan. Sau đó, anh đã cố gắng thực hiện lại cuộc hành trình - lần này với giấy tờ phù hợp để vào Iran, sau đó là một hành trình gian khổ, bất hợp pháp đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở lại Pakistan năm 2020, Ali đã tập hợp và chuyển thể tất cả những sự việc từng trải từ đi dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ở Dogubayazit, đi xe buýt và thậm chí trốn trong vùng hoang dã thành một bộ phim tài liệu dài gần 104 phút. Bộ phim được phát trên kênh Youtube cá nhân của anh (AsadPenduVlogs) với 55,4 ngàn người đăng ký đã thu hút gần 1,4 triệu lần. “Tôi không muốn làm video này vì tiền hay danh vọng. Tôi chỉ muốn giáo dục mọi người về những rủi ro của dunki và tại sao họ không nên đi bất hợp pháp,” Ali cho biết.

Phim tài liệu dài 104 phút của Asad Ali về hành trình trở về Pakistan.

Phim tài liệu dài 104 phút của Asad Ali về hành trình trở về Pakistan.

Dunki là một thuật ngữ địa phương chỉ hoạt động di cư bất hợp pháp từ Pakistan sang các nước châu Âu. Ali là một trong những YouTuber trẻ người Pakistan hiểu được cạm bẫy của dunki và đang can thiệp để ngăn chặn xu hướng này. Họ tạo và đăng các video phơi bày những rủi ro và tác động của việc di cư bất hợp pháp, đồng thời giúp xua tan thông tin sai lệch do các thành viên dunki và những kẻ buôn lậu người lan truyền trên mạng.

Khoảng 30.000 đến 40.000 người Pakistan tìm cách vượt biên trái phép sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mỗi năm.

Khủng hoảng kinh tế, mất an ninh lương thực, bạo lực, thiếu tự do và khan hiếm việc làm ở Pakistan đã khiến hàng chục nghìn người tìm cách vượt biên trái phép sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Tây Balkan mỗi năm. Theo dữ liệu thu được từ Geo News vào năm 2021, từ năm 2015 đến năm 2020, hơn 600.000 công dân Pakistan đã bị trục xuất khỏi 138 quốc gia với nhiều lý do, bao gồm giấy phép lao động hết hạn và nhập cảnh bất hợp pháp bằng cách sử dụng giấy tờ thông hành giả.

Aqib Asrar - người có tên là Ali Virk trên kênh YouTube của mình - đã quyết định thử dunki vào năm 2018, bị choáng ngợp bởi những kỳ vọng của xã hội và gia đình để hoàn thành việc học của mình. Trong suốt hành trình nguy hiểm kéo dài 16 ngày đến Istanbul qua Iran - đầu tiên là di chuyển bằng đường bộ trên xe 4x4 trong 20 giờ, sau đó đi bộ trong hơn 30 giờ, một số bạn đồng hành của Asrar đã chết. Chàng trai 24 tuổi sau đó đã ghi lại những trải nghiệm của mình trên YouTube, và một trong những video của anh ấy đã thu hút được 1,8 triệu lượt xem. “Tôi muốn nói với mọi người rằng nó nguy hiểm như thế nào,” Asrar, người đã quay trở lại Pakistan", cho biết.

Các video của anh ấy đã giúp cứu ít nhất một trong số những người cũng có ý định di cư bất hợp pháp khỏi mắc lỗi tương tự. Qaseem Ibrar, 21 tuổi, cư dân Gujranwala ở Punjab, đã quyết định từ bỏ ý định sau khi tình cờ xem được các video của Asrar.

“Tôi cảm ơn Ali bhai [anh trai] từ tận đáy lòng vì đã làm những video này,” Ibrar chia sẻ. “Khi chúng tôi nhìn thấy tuyến đường, chúng tôi thậm chí không thể nghĩ đến việc thực hiện nó. Giờ chúng tôi ở nhà và an toàn, và đó là điều quan trọng nhất. Chúng tôi nghiêm khắc phản đối cách làm này và không khuyến khích bất kỳ ai đến gặp chúng tôi để xin lời khuyên.”

Aqib Asrar thuật lại những trải nghiệm của mình thông qua đại lý dunki.

Aqib Asrar thuật lại những trải nghiệm của mình thông qua đại lý dunki.

Các kênh như Adeel JaMeel Global (25.300 người đăng ký), Europe Info TV (176.000 người đăng ký) và Teach Visa (111.000 người đăng ký) cũng chia sẻ các cuộc phỏng vấn với những người di cư đã đến được Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các khu vực khác của châu Âu nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp. Bên cạnh việc không khuyến khích vượt biên trái phép, các video của Ali còn đưa ra hướng dẫn về việc di cư hợp pháp sang Liên minh châu Âu. Một trong những video được xem nhiều nhất của anh từ năm 2019 — với 238.000 lượt xem — giải thích cách xin thị thực du lịch Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần thông qua đại lý.

Một đại lý dunki từ Mandi Bahauddin ở tỉnh Punjab cho biết công việc kinh doanh của anh ta phát đạt nhờ truyền miệng. “Chúng tôi không tìm kiếm mọi người, mọi người tìm kiếm chúng tôi sau khi nhận được phản hồi tốt từ những người khác đã sử dụng dịch vụ của chúng tôi,” anh nói với điều kiện giấu tên. Một số đại lý như vậy quảng bá dịch vụ của họ trực tuyến để thu hút khách hàng. Chẳng hạn, Gernal Musa, một kênh YouTube và TikTok , đăng video về những khách hàng “hạnh phúc”, với số WhatsApp có thể được sử dụng để kết nối với các đại lý dunki.

Theo quan chức của FIA, ở những khu vực như Gujrat và Mandi Bahauddin, mọi người có động cơ theo đuổi các cơ hội làm việc ở nước ngoài, bất kể họ có đi du lịch hợp pháp hay không, một phần do ảnh hưởng của mạng xã hội, vốn cho thấy sự thành công của những người đã cố gắng cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình họ thông qua làm việc ở nước ngoài.

“Ở những nơi như Mandi Bahauddin và Gujrat, hầu hết các gia đình đều có người nước ngoài [đã] thử dunki,” Zaidi nói. “Gia đình của họ nói với tôi rằng [thông qua bộ phim của tôi], họ biết được những khó khăn mà con cái họ phải đối mặt để đến được những quốc gia này.”

“Chúng tôi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn mọi người cố gắng di cư bất hợp pháp và để cho thấy cơ quan đang tích cực ngăn chặn điều đó,” quan chức của FIA cho biết. Các tweet, video và bài đăng trên Facebook của cơ quan này nhằm mục đích ngăn cản mọi người trả tiền cho những kẻ buôn lậu người để đưa con cái của họ ra nước ngoài.

Asrar, chủ sở hữu kênh YouTube với khoản 319.000 người đăng ký, hy vọng sẽ tạo ra các video về cuộc đấu tranh của những người di cư bất hợp pháp sống ở các khu vực khác nhau của châu Âu. Anh cũng quan tâm đến việc giáo dục những người theo dõi mình về việc đi lại hợp pháp, quy trình xin thị thực và cách tìm việc làm ở nước ngoài.

Anh nói: “Tôi sẽ tiếp tục làm những video hướng dẫn họ trải nghiệm của mình để họ không bao giờ phải chọn hành trình chết chóc này nữa” .

(Nguồn: Restofworld)

Hoàng Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-youtuber-pakistan-no-luc-len-an-su-nguy-hiem-cua-viec-di-cu-bat-hop-phap-den-chau-au-227937.html