Cacao Đắk Lắk trước 'cơ hội vàng' để hồi sinh phát triển

Chất lượng tốt và được định giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế, cùng những khởi sắc mới đang tạo cơ hội để ngành hàng cacao Đắk Lắk hồi sinh và phát triển.

Năm 2024, các nông sản thế mạnh của Đắk Lắk đều tăng giá ấn tượng, đem lại nhiều niềm vui cho nông dân và kỳ vọng vào một chu kỳ thành công mới cho nông nghiệp toàn tỉnh. Trong khi mức tăng gấp đôi của cà phê, hồ tiêu thu hút sự chú ý của đông đảo nông dân, loại nông sản tăng giá ngoạn mục nhất là cacao lại gần như diễn ra trong thầm lặng, có thời điểm đạt tới 12.000 USD/tấn hạt thô, gấp 4 lần so với năm 2023.

Ông Lý Quốc Bảo ở thôn 16 xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vừa thu hoạch xong vụ cacao 2023 - 2024. Từng lần thu hái và số tiền bán sản phẩm trong suốt niên vụ, được ông ghi cẩn thận trong một cuốn sổ. Cộng hết số liệu trên 2 trang giấy ông Bảo cho biết, với gần 1ha cacao, vụ này gia đình thu được 5,5 tấn hạt ướt, đầu vụ bán được 30 triệu đồng/tấn. Ngay sau đó, giá tăng liên tục lên 35 triệu rồi 50 triệu đồng. Đến cuối vụ, giá lên đến 60 triệu đồng/tấn. Quy đổi ra hạt khô, giá cuối vụ đến 180 triệu đồng/tấn. Diễn biến tốt của thị trường cacao và việc có đầu ra ổn định khiến ông Bảo rất vui.

“Cây cacao không như cây khác vì nó ra trái nhiều lần và chín nhiều đợt, cứ mỗi tuần đập được nhiều hạt ướt mình báo hợp tác xã vào chở còn nếu ít mình chở ra cân xong thanh toán luôn. Khi giá caccao lên đến 35.000 – 40.000 đồng/kg bà con đã mừng, xong sau giá lên đến 55.000 đồng/kg và bây giờ lên đến 60.000 đồng tất cả bà con đều phấn khởi”, ông Bảo chia sẻ.

Ông Lý Quốc Bảo, thôn 16, xã Ea Đar chăm sóc vụ cacao mới sau thắng lợi của niên vụ 2024-2024

Ông Lý Quốc Bảo, thôn 16, xã Ea Đar chăm sóc vụ cacao mới sau thắng lợi của niên vụ 2024-2024

Theo bà Nguyễn Hồng Thương, Giám đốc HTX cacao Nhất Tâm, huyện Ea Kar, ngành hàng cacao ở Đắk Lắk đang đứng trước cơ hội hồi sinh và lớn mạnh. Điều đó không chỉ bởi những tín hiệu tích cực trên thị trường thế giới, mà còn nhờ các doanh nghiệp, HTX ở tỉnh đã tiến một bước dài trong đa dạng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Nếu như trước đây, năng suất cacao Đắk Lắk chỉ đạt khoảng 1,3 tấn hạt khô/ha, nay nhiều vườn đạt trên 2 tấn có khi tới 3 tấn. Trước đây sản phẩm cacao đa số chỉ dừng ở hạt khô đã lên men và bột cacao, nay nhiều DN đã chiết tách được bơ cacao và chế biến được chocolate. Phần cơm cacao chiếm 30% trọng lượng hạt ướt trước đây hầu như bỏ phí, nhưng nay được chế biến thành nước lên men hấp dẫn người tiêu dùng, giá bán có lúc đến 200.000 đồng/lít. Chất lượng tốt, chuỗi sản phẩm đa dạng đã giúp các DN, HTX có lợi nhuận khá, có nguồn lực để đầu tư bài bản hơn cho sản xuất, giúp mối liên kết nhà nông-DN-HTX trở nên bền vững, thực chất.

“HTX quan tâm tới tất cả các khâu, từ chăm sóc vườn cây, xử lý sâu bệnh hại và nâng cao năng suất. Cuối năm HTX có tiền thưởng cho những bà con làm tốt. Hết mùa thu hoạch, HTX sẽ đi từng gia đình, nhất là những hộ có năng suất kém để hướng dẫn kỹ thuật, cho bà con vay phân, vay thuốc để sản xuất kịp thời vụ cho cacao đạt năng suất cao", bà Nguyễn Hồng Thương cho biết.

Từ một cây công nghiệp lâu năm bị mất vị thế, xếp dưới chót danh sách ưu tiên của nông dân, cây cacao Đắk Lắk đang lấy được chỗ đứng thỏa đáng. Theo ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH cacao Nam Trường Sơn, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, chất lượng được nâng cao đã giúp cho cacao hạt thô ở Đắk Lắk luôn bán được với giá cao hơn ít nhất 30% so với giá trên sàn giao dịch quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã có chủ trương mới về phát triển ngành hàng này, nên sẽ thu hút thêm nhiều DN có tiềm lực, mở ra triển vọng hợp tác.

"Đắk Lắk đang xây dựng chủ trương mới về cacao, nên DN hy vọng với chủ trương mới này sẽ có thêm nhiều DN đến với Đăk Lăk để tập trung vào xây dựng chuỗi, cũng như đáp ứng được nhu cầu quốc tế về xuất khẩu hạt cacao, đem lại thu nhập bền vững cho nông dân và những người canh tác cacao...", ông Quang cho hay.

Bà Nguyễn Hồng Thương trong phòng trưng bày các sản phẩm cacao của HTX Nhất Tâm

Bà Nguyễn Hồng Thương trong phòng trưng bày các sản phẩm cacao của HTX Nhất Tâm

Đắk Lắk đã từng có hơn 2.000 ha cacao trên các vùng đất không phù hợp với cà phê ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh và là điểm sáng của vùng cacao phía Nam, theo quy hoạch được phê duyệt tại quyết định 2015/2012 của Bộ NN-PTNT. Dù trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chỉ còn hơn 1.000 ha vào năm 2020, nhưng Đắk Lắk vẫn là tỉnh dẫn đầu cả về diện tích, năng suất và giá trị.

Đến nay, với nền móng năng suất - chất lượng được xây dựng từ thời kỳ khó khăn nhất, cùng lực đẩy lớn từ thị trường thế giới, cacao Đắk Lắk càng có cơ hội lớn để hồi phục và rộng đường phát triển.

Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cacao-dak-lak-truoc-co-hoi-vang-de-hoi-sinh-phat-trien-post1098938.vov