Cách Apple và Google bảo vệ dữ liệu người dùng thời AI
Ngày nay mọi đơn vị đều chạy đua tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng công nghệ càng tiên tiến càng đem lại nhiều vấn đề, vấn đề nghiêm trọng nhất là nạn đánh cắp dữ liệu.
Năm nay ghi nhận đến hơn 3.000 vụ đánh cắp dữ liệu, trong đó 2.365 vụ do tấn công mạng gây ra. AI không chỉ thành công cụ đắc lực của doanh nghiệp mà còn trở thành “vũ khí” nguy hiểm của tội phạm. Kẻ xấu dễ dàng sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc máy móc thực hiện tấn công mạng tinh vi.
Mục tiêu hàng đầu chắc chắn có điện thoại thông minh - thiết bị lưu trữ cuộc trò chuyện riêng tư, tài khoản mạng xã hội, thông tin tài chính cùng nhiều nội dung cá nhân khác. Nhưng may mắn là hai “ông lớn” Apple và Google đều triển khai biện pháp bảo vệ dữ liệu người dùng.
Biện pháp của Apple
Apple bảo vệ dữ liệu lưu trữ trên dịch vụ đám mây bằng phương thức mã hóa đầu cuối. Với dịch vụ đám mây không thích hợp mã hóa, họ cố gắng xử lý dữ liệu ngắn hạn hoặc theo mã định danh ngẫu nhiên không tương quan để che giấu danh tính người dùng.
Việc sản phẩm của Apple như iPhone, iPad có thể xử lý dữ liệu ngay trên thiết bị đem lại lợi ích rõ ràng: người dùng hoàn toàn kiểm soát thiết bị, các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra cả phần cứng lẫn phần mềm, tính minh bạch về thời gian chạy chương trình được đảm bảo, Apple không giữ lại bất cứ đặc quyền truy cập nào.
Theo giám đốc điều hành công ty phân tích video giám sát thời gian thực Digital Barriers, Zak Doffman: “Với sự phát triển của máy chủ đám mây cá nhân hóa (PCC), Apple đã thiết kế nên cấu trúc AI đầu cuối mới cùng phần lưu trữ đám mây riêng tư mở rộng cho iPhone của người dùng, tăng mức độ kiểm soát dữ liệu”.
Giám đốc cấu trúc bảo mật Bruce Schneier (công ty phần mềm Inrupt) nhận xét hệ thống bảo mật mà Apple xây dựng khá an toàn, đảm bảo sử dụng AI với dữ liệu lưu trên dịch vụ đám mây an toàn không kém lưu trên thiết bị.
Biện pháp của Google
Với hệ điều hành Android, Google áp dụng cách tiếp cận kết hợp xử lý dữ liệu trên thiết bị cùng điện toán đám mây. Phương thức này cân bằng được giữa đảm bảo quyền riêng tư với hiệu suất AI, cho phép thiết bị Android không quá mạnh vẫn có thể truy cập các tính năng trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
Cách tiếp cận kết hợp tồn tại một khuyết điểm: một số dữ liệu phải được xử lý bên ngoài thiết bị nên có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị sử dụng cho mục đích xấu.
Nền tảng AI Gemini không giao dữ liệu người dùng cho bên thứ 3. Mọi thứ đều được xử lý trong hệ sinh thái của Google.