Cách bảo vệ dạ dày khi dùng thuốc aspirin

Aspirin là loại thuốc được dùng phổ biến để giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số bất lợi về dạ dày...

1. Aspirin có thể gây ra vấn đề về dạ dày?

Aspirin là một trong những loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng bởi những người mắc bệnh tim và tuần hoàn, vì nó làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Thuốc thường an toàn khi sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên, đối với một số người, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng dạ dày như khó tiêu, buồn nôn và hiếm gặp hơn là loét dạ dày.

Có những biện pháp đơn giản bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày này.

Buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột… là những bất lợi về tiêu hóa khi sử dụng aspirin ở một số người dùng.

2. Lời khuyên để tránh các vấn đề về dạ dày khi dùng aspirin

2.1. Trao đổi với bác sĩ nếu như trước đây bạn đã có các vấn đề về dạ dày

Đầu tiên, người bệnh luôn đảm bảo uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cung cấp các thông tin cụ thể hơn về cách dùng thuốc tốt nhất.

Hãy cho bác sĩ biết, nếu như bạn đã và đang có các vấn đề về dạ dày, trước khi bạn bắt đầu dùng aspirin. Điều này giúp cho bác sĩ có thể cân nhắc khi kê đơn và có các biện pháp ứng phó ngay từ đầu, để tránh hoặc giảm thiểu tối đa bất lợi này.

2.2. Không uống aspirin khi bụng đói

Aspirin được uống tốt nhất cùng hoặc ngay sau khi ăn, không uống khi bụng đói. Bạn không cần kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào nhưng tránh uống quá nhiều rượu (vì uống rượu sẽ càng làm tăng thêm tình trạng kích ứng dạ dày).

Không dùng các loại thuốc chống viêm khác, như ibuprofen, khi bạn đang dùng aspirin, trừ khi bạn đã hỏi ý kiến bác sĩ trước.

2.3. Cân nhắc dùng aspirin bao tan trong ruột

Nếu bạn có các triệu chứng về dạ dày khi dùng aspirin, hãy trao đổi với bác sĩ, cân nhắc dùng loại bao tan trong ruột. Loại này tốt hơn cho dạ dày. Hãy chắc chắn rằng bạn làm theo các hướng dẫn về cách uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.

Những thuốc này thường được bao bởi một lớp phim, giữ cho viên thuốc còn nguyên vẹn khi đi qua dạ dày và chỉ tan khi xuống đến ruột non.

Dạng thuốc này thường áp dụng cho những hoạt chất gây kích ứng dạ dày mạnh (thuốc giảm đau kháng viêm NSAID như aspirin…) hoặc được sử dụng để bảo vệ những dược chất dễ phân hủy trong môi trường acid của dạ dày... Do đó, cần phải nuốt nguyên viên thuốc với nước, mà không được nghiền nhỏ hay bẻ khi uống thuốc để bảo toàn tác dụng của thuốc.

Nếu bạn vẫn gặp vấn đề về dạ dày, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc khác để bảo vệ dạ dày của bạn, chẳng hạn như các thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazone, lanzoprazol, pantoprazol... nhờ đó bạn có thể tiếp tục dùng aspirin để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ ở mức thấp nhất có thể.

Aspirin (Acid acetylsalicylic) có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt và chống viêm. Nói chung, cơ chế tác dụng của aspirin cũng tương tự như các thuốc chống viêm không steroid khác.

Aspirin được chỉ định để giảm các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt. Vì có tỷ lệ cao về tác dụng phụ đến đường tiêu hóa, nên aspirin hay được thay thế bằng paracetamol, dung nạp tốt hơn.

Aspirin cũng được sử dụng trong chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp.

Nhờ tác dụng chống kết tập tiểu cầu, aspirin được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và dự phòng biến chứng tim mạch ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao. Thuốc cũng được sử dụng trong điều trị và dự phòng một số bệnh lý mạch não như đột quỵ.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-bao-ve-da-day-khi-dung-thuoc-aspirin-169230409122555804.htm