Cách bóp phanh xe máy hạn chế ngã khi trời mưa
Trời mưa, đường trơn làm giảm ma sát giữa lốp xe với mặt đường, tài xế cần nắm được kỹ thuật phanh xe để không gây tai nạn.
Vậy phanh xe trong điều kiện thời tiết mưa, đường trơn trượt như thế nào là an toàn nhất?
Phanh từ xa
Hiệu quả phanh khi trời mưa đường ướt không như đường khô ráo mà sẽ giảm một nửa, quãng đường phanh dài hơn nhiều.
Vì vậy, chạy xe trời mưa thì tính phòng thủ phải cao hơn, giữ khoảng cách an toàn. Tài xế nên rà phanh từ xa để giảm tốc khi có dấu hiệu của sự rủi ro.
Lực phanh tăng dần
Nếu tình huống trên đường tạo nguy hiểm thật sự, thao tác phanh sẽ quyết liệt và cần tăng cường độ hơn để xe giảm tốc nhanh hơn.
Phanh kết hợp
Nếu chỉ sử dụng phanh trước hoặc sau, rủi ro xe bị rê/trượt ngang rồi té ngã cao hơn rất nhiều. Thay vào đó, hãy sử dụng cùng lúc cả phanh trước và sau khi trời mưa.
Phanh và xử lý linh hoạt
Khi phanh xe thì nhất định phải giữ thẳng lái, nếu đánh lái thì nhả phanh ra đừng bóp cứng để còn giữ được sự thăng bằng.
Theo các chuyên gia, phanh xe thường có 2 cách gồm phanh bằng động cơ và hệ thống phanh. Với phanh động cơ, phương pháp này giúp xe giảm tốc từ từ và dễ dàng kiểm soát xe.
Kỹ thuật phanh động cơ khá đơn giản, người điều khiển chỉ cần nhả tay ga, khi đó vòng tua giảm giúp ghìm máy. Chú ý, với xe số về số tương ứng cùng tốc độ của xe.
Phương pháp sử dụng hệ thống phanh, với xe số có cấu tạo phanh chân để phanh bánh sau và phanh tay để hãm bánh trước. Còn với xe ga, phanh sau đưa lên tay bên trái và bên trải cho bánh trước. Ở một số loại xe có thêm tính năng phanh kết hợp.
Nhiều người thường sử dụng phanh trước, đặc biệt với chị em phụ nữ, nếu sử dụng phanh đột ngột hoặc bóp phanh quá mạnh khiến bánh xe bị khóa, đầu xe trượt và mất khả năng điều khiển.
Một số người cho rằng phanh sau an toàn hơn. Nếu ấn phanh (xe số) hoặc bóp phanh sau (xe ga) đột ngột và giữ chặt, lúc đó hiện tượng trượt bánh xảy ra, khiến xe bị trượt và văng đít xe.
Do đó, với điều kiện đường trơn, ướt do mưa, các chuyên gia khuyến cáo nên phanh đồng thời kết hợp cả phanh trước và sau với lực bóp phanh tăng dần.
Đặc biệt nên phanh sớm hơn bình thường. Nếu gặp tình huống khẩn cấp, khi phanh cố gắng giữ tay lái thẳng, đánh lái thì phải nhả phanh. Đường bùn lầy thì nên giảm tốc độ, đi chậm, hạn chế phanh gấp và đi theo xe phía trước.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-bop-phanh-xe-may-han-che-nga-khi-troi-mua-ar874745.html