Cách chăm sóc phụ nữ sau sinh để con an toàn, mẹ khỏe mạnh
Phụ nữ sau khi sinh con thường bị mất máu nhiều nên cần được bổ sung dinh dưỡng đúng cách để nhanh hồi phục và khỏe mạnh để chăm sóc cho bé.
Cách chăm sóc phụ nữ sau sinh để con an toàn, mẹ khỏe mạnh
Chăm sóc bầu vú
Ngoài việc vệ sinh, tắm rửa sau sinh, sản phụ nên quan tâm chăm sóc bầu vú. Mẹ nên cho bé bú ngay trong vòng nửa giờ đến một giờ đầu sau khi sinh để tận dụng nguồn sữa non, không cần đợi mẹ cương sữa mới cho con bú. Chính phản xạ bú mút núm vú của bé sẽ kích thích mẹ mau lên sữa. Bé bú mẹ đúng tư thế sẽ mau no sữa mẹ, đồng thời núm vú của mẹ sẽ mềm mại, không bị đau, nứt, chảy máu hay nghẽn tắc ống dẫn sữa.
Sản phụ sau khi sinh khoảng 2 đến 5 ngày hầu như ai cũng có cảm giác căng ngực do tình trạng phù nề mô tuyến sữa gây ra, hai vú cương, cứng, đau và có thể kèm sốt nhẹ. Đây là hiện tượng bình thường của quá trình tạo sữa cho bé. Bác sĩ Nguyệt hướng dẫn một số mẹo làm giảm đau tức khi căng sữa như:
- Sau sinh hãy xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa.
- Massage bầu vú, có thể sử dụng lược chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông.
- Nên cho bé bú thường xuyên để phòng ngừa hiện tượng căng sữa. Sau khi cho con bú, nếu tuyến sữa vẫn căng và đau cần hút sữa khoảng 5 đến 10 phút để nhanh chóng lấy hết sữa ra. Như thế sẽ giúp bầu sữa mềm hơn và trẻ dễ bú hơn, tránh bị tắc tia sữa.
Nếu vẫn còn khó chịu, mẹ có thể chườm mát, không nên chườm nóng. Có thể sử dụng khăn ướt để trong ngăn đá sau 10 phút rồi mang ra chườm trên bầu vú sẽ giúp co mạch và làm giảm cương sữa.
Không nên bó bụng sau khi đẻ
Sau khi sinh, tử cung bắt đầu hồi phục, trong khoảng 10 ngày có thể hạ xuống vào xương chậu, nhưng phải cần 6 tuần mới trở lại kích thước ban đầu. Mà những dây chằng cố định ở tử cung do kéo dài quá mức trong thời kỳ mang thai nên có phần lỏng lẻo so với lúc trước khi mang thai.
Do vậy, bó bụng sau khi sinh làm tăng sức ép ở bụng và làm giảm sức chống đỡ của dây chằng và các cơ quan sinh sản, tử cung rũ xuống, tử cung nghiêng gập mạnh về sau, thành trước và sau âm đạo phình ra..., mặt khác máu trong khoang chậu lưu thông không thông suốt, các đề kháng giảm, dễ dẫn đến các loại bệnh phụ khoa, hội chứng tụ máu trong khoang chậu... nếu có các biểu hiện bất thường, sốt cao thì phải đến bệnh viện ngay.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Những ngày đầu sau sinh, vấn đề dinh dưỡng cho sản phụ cần được đặc biệt chú ý. Sau khi sinh 2 giờ, mẹ nên ăn uống như bình thường, không phải ăn kiêng. Cần bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước để có sữa cho con bú và tránh táo bón. Nên ăn đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, ray củ quả nấu chín. Tránh ăn một số thức ăn dễ gây dị ứng như các loại hải sản.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên việc thiết kế khẩu phần của phụ nữ sau sinh cần nhiều chất dinh dưỡng cân đối, hợp lý, cung cấp nhiều năng lượng khoảng 2.800 kcal một ngày. Bà mẹ không phải kiêng khem bất kỳ thực phẩm nào, chỉ cần lưu ý ưu tiên chọn các loại thức ăn dễ tiêu, tránh các gia vị nóng như ớt, tiêu...
Chế độ nghỉ ngơi của chăm sóc mẹ sau sinh
Giấc ngủ cũng khá quan trọng với giai đoạn chăm sóc mẹ sau sinh, càng nghỉ ngơi nhiều càng tốt. Việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giúp các bà mẹ tái tạo năng lượng, sản xuất sữa tốt hơn và tránh được bệnh: stress, trầm cảm sau sinh.
Mặt khác, các bà mẹ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt và chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực. Đặc biệt là với những sản phụ sinh mổ thường hồi phục chậm hơn so với sản phụ sinh thường.
Ngoài ra, vấn đề sa tử cung cũng khiến các mẹ lo lắng, đặc biệt là với những mẹ sinh thường có nguy cơ gặp phải các vấn đề này cao hơn sinh mổ. Bệnh này khiến mẹ đi tiểu nhiều lần, giảm ham muốn tình dục và khiến sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn.
Để phòng tránh bệnh sa tử cung thường gặp ở phụ nữ sau sinh, sản phụ không được làm việc nặng, không ngồi quá lâu và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, việc cho con bú sớm – sau sinh 24 tiếng sẽ giúp tử cung hồi phục tốt, tránh được bệnh sa tử cung, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.
Sau khi vết thương đã lành và ổn định, các mẹ nên vận động nhẹ nhàng, massage thư giãn, xoa bóp tay chân, với liều lượng thích hợp. Điều này vừa để đẩy hết sản dịch ra ngoài và giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Sau sinh, sản dịch tiết ra mỗi ngày và giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, trung bình thấm từ 4 đến 5 băng vệ sinh, bà mẹ cần thay băng vệ sinh ngay sau khi băng đã thấm sản dịch. Không nên để băng vệ sinh quá 6 giờ vì điều đó có thể gây chậm liền vết may tầng sinh môn, tạo điều kiện cho vi trùng vùng âm đạo phát triển gây nhiễm trùng. Cũng không nên kiêng tắm rửa trong thời gian này.