Cách chăm sóc sức khỏe khi trời nồm ẩm kéo dài, dễ gây nhiều bệnh
Theo các chuyên gia, thời tiết ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella, cúm... phát triển.
Những ngày gần đây, miền Bắc đã chuyển từ thời tiết khô hanh sang mưa phùn, nồm ẩm. Theo dự báo, trong nửa tháng tới, miền Bắc thường xuyên mưa phùn, sương mù, độ ẩm không khí trên 80% đến trên 90%; tường nhà, bờ tường, sàn nhà "đổ mồ hôi" trơn trượt.
Theo các chuyên gia, thời tiết mùa Xuân đặc trưng ở miền Bắc với mưa phùn, nồm, khiến không khí ẩm ướt, nền nhiệt độ ẩm thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, nhất là trẻ nhỏ.
Theo thống kê tại ở khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng lại rất đáng chú ý bởi bệnh tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nhất. Khi thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết. Với những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sỹ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.
Theo bác sỹ Nam, nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển gây bệnh... Trẻ khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn.
Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.
Bên cạnh đó, trong tiết trời nồm ẩm, nên thực phẩm, thức ăn không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm, vì vậy các phụ huynh cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi.
Theo bác sỹ Nam, với trẻ nhỏ, vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, nên phụ huynh cần chuẩn bị có sẵn vài chiếc khăn mềm thấm nước lau mồ hôi vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân. Ngoài ra, các phụ huynh thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ tránh tình trạng để bệnh nặng lên phải nhập viện.
Vì vậy, kiểu thời tiết với độ ẩm cao, bác sỹ Nam khuyến cáo các gia đình để giữ gìn sức khỏe tốt cho mọi người cần tạo môi trường sống sạch, vệ sinh nhà cửa, giữ sạch môi trường sống cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.
Để bệnh không biến chứng nặng, bác sỹ Nam phân tích, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời với các bác sỹ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức để kháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu trong cơ thể lâu hơn.
Theo các chuyên gia, kiểu thời tiết nồm ẩm như hiện nay của miền Bắc, trong mỗi gia đình, không nên dùng thảm trải nhà, nếu có thảm thì phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch, tránh nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như dị ứng, viêm da./.