Cách chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ và cúm A
Với mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ và phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và cộng đồng, chiều 1/8, Bộ Y tế đã tập huấn trực tuyến toàn quốc cho các địa phương, các cơ sở y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và điều trị cúm A ngay sau khi ban hành hướng dẫn.
Theo thống kê từ Tổ chức y tế thế giới, tính từ tháng 5 đến nay, đã có trên 19.000 ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) đã ghi nhận 62 ca bệnh tại 7 quốc gia, chưa có ca tử vong. Phân tích trên các ca nhiễm cho thấy, tuổi nhiễm trung bình là 37 tuổi với 98,3% là đồng tính nam, 38% trên người dương tính với HIV; 91,5% là lây truyền qua đường tình dục và 7,7% đã được nhập viện để cách ly và điều trị.
Bác sĩ ĐỖ HỒNG HIÊN, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam:Lưu ý về chăm sóc sức khỏe tâm thần, Tổ chức Y tế thế giới muốn nhấn mạnh là phần lớn các bệnh nhân có tổn thương ở da mang một cái tâm lý mắc cảm và họ phải không để cho cơ sở khám chữa bệnh nếu như bệnh nhẹ, hoặc nặng họ cũng không đến vì ngần ngại".
Theo các chuyên gia, virus đậu mùa khỉ lây truyền theo con đường tương tự như bệnh đậu mùa, virus xâm nhập vào niêm mạc hầu họng của đường hô hấp của vật chủ. Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi, hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Có đến 90% các ca có triệu chứng phát ban, 48,3% sốt và các triệu chứng như ớn lạnh, đau đầu, ngứa, nổi hạch, đau cơ, loét miệng… Đáng chú ý là có những trường hợp ở thể không triệu chứng, trẻ em và phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch thường rơi vào thể nặng có thể dẫn đến tử vong.
GS.TS NGUYỄN VĂN KÍNH, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam: "Suy giảm miễn dịch cũng là một dạng bệnh nền cho các bệnh nhiễm trùng mà thôi. Từ tổn thương như vậy, những người có nhiều nốt phỏng trên da, dày chi chít từng mảng thì nguy cơ biến chứng bị nhiễm trùng huyết sẽ cao hơn hoặc nguy cơ bị viêm não sẽ nhiều hơn. Khi đó, nồng độ virus ở trong máu, trong bạch huyết rất cao".
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời."
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cach-chan-doan-benh-dau-mua-khi-va-cum-a