Cách chi tiêu 15 triệu đồng mỗi tháng ở Anh

Sống ở Anh 3 năm, Hà Phương, sinh viên Đại học Northampton, chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập bảng chi tiêu ở đất nước đắt đỏ này.

Hà Phương đã có kinh nghiệm sống 3 năm ở Anh. Nữ sinh này chia sẻ 3 cách để tiết kiệm chi phí đó là thuê nhà xa trung tâm hoặc chia sẻ phòng với bạn bè; hạn chế ăn ngoài mà nấu ăn tại nhà; nếu đi chơi cuối tuần có thể chọn đi bảo tàng, triển lãm vừa bổ ích lại miễn phí.

Vì vậy, tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của Phương là 400-500 bảng Anh (tương đương 12-15 triệu đồng).

Tiền nhà ở là chi phí tốn kém nhất

Hà Phương chia các khoản chi phí sinh hoạt thành 3 nhóm chính bao gồm tiền nhà, tiền ăn và tiền giải trí (đi chơi, ăn uống, mua sắm). Cụ thể: Tiền nhà 320 bảng, tiền ăn 60-80 bảng, tiền giải trí (đi chơi, ăn uống và mua sắm) là 50-100 bảng.

 Hà Phương học cách cân đối chi tiêu khi sống tại đất nước đắt đỏ. Ảnh: NVCC.

Hà Phương học cách cân đối chi tiêu khi sống tại đất nước đắt đỏ. Ảnh: NVCC.

Trong đó, nhà ở luôn là khoản chi tiêu tốn kém nhất và cố định mỗi tháng. Vậy nên, để tiết kiệm, Phương tính toán hai cách, đó là ở xa trung tâm hoặc ở chung phòng với bạn bè.

Nếu ở xa trường, bạn sẽ dễ rơi vào tâm lý ngại đi học, không gần trung tâm mua sắm, siêu thị. Trong khi đó, xe buýt dừng chạy sau 21h. Vì thế, khi tụ tập bạn bè hoặc đi chơi xa, bạn sẽ tốn kém tiền taxi.

Những sinh viên thích ở chung có thể chia sẻ phòng đôi để giảm chi phí và được ở trung tâm. Hơn nữa, bạn sẽ cảm thấy bớt tủi thân khi nhớ nhà và nếu ốm đau có người chăm sóc, hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo Phương, việc ở chung cũng có những bất lợi như dễ mâu thuẫn với người cùng phòng, không gian riêng bị hạn chế… Trong quá trình sinh hoạt cùng nhau, hai người có thể xảy ra mâu thuẫn và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Vì vậy, Phương chọn địa điểm thuê nhà xa trường do thích có nhiều không gian riêng cho bản thân, tính chất công việc thường ngày yêu cầu sự yên tĩnh.

Ngoài khoản tiền nhà, nữ sinh này cho rằng những khoản chi tiêu khác nên được tính dựa vào thu nhập hoặc trợ cấp hàng tháng. Ví dụ, một tháng, tổng số tiền có được là A. Trong đó, 70% là tiền nhà và chỉ nên tiêu trong khoảng 30% còn lại, không nên vay mượn.

Chi phí đi lại cũng là một khoản quan trọng. Tại Anh, mọi người đi chơi thường sử dụng tàu hoặc xe khách. Cả hai phương tiện này đều có chương trình khuyến mãi dành cho sinh viên. Những thông tin này đều được phổ biến rõ ràng. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu để tiết kiệm chi phí.

“Thi thoảng, mình cũng đi du lịch và thường chỉ đi trong ngày rồi về. Lý do chính là quỹ thời gian ít, trong tuần mọi người bận học, cuối tuần đi làm nên sắp xếp kế hoạch để đi du lịch cùng nhau khá khó khăn”, Phương cho biết.

Ngoài ra, nữ sinh còn có khoản tiền tiết kiệm. “Trước đây, mỗi tháng mình làm thêm được 500 bảng, đóng một nửa tiền nhà, nửa còn lại bố mẹ chu cấp. Như vậy, mình còn 340 bảng, trừ tiền ăn còn khoản 250 bảng để giải trí và tiết kiệm", Phương cho biết

Việc có tài khoản tiết kiệm đã giúp ích cho nữ sinh này rất nhiều khi không thể làm thêm và tập trung vào việc học, thực tập không lương.

Trải nghiệm xương máu

Phương khá tự lập và năng động nên việc tìm nhà và việc làm thêm không có gì khó khăn trong quá trình du học tại Anh. Nữ sinh này cho rằng đó là cơ hội để có thêm những người bạn tốt, học hỏi nhiều điều bổ ích.

Trong quá trình đi làm thêm, Phương cũng được trải qua những kỷ niệm khó quên. Đặc biệt là làm thế nào cân bằng giữa việc học và làm. Nữ sinh này phải luôn xác định mục tiêu quan trọng nhất là việc học. Quá trình này không chỉ trên sách mà còn từ thực tế công việc.

Xen kẽ với những bữa ăn đồ tây, Phương chọn các món Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Xen kẽ với những bữa ăn đồ tây, Phương chọn các món Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Năm cuối nên Hà Phương phải làm luận án tốt nghiệp, đồng thời vì sắp tốt nghiệp nên nữ sinh này cần phải dành thời gian làm việc liên quan đến ngành đang học.

“Chỉ có đọc và tìm hiểu thì mới giúp bạn có cái nhìn tổng quan về thị trường việc làm và ngành học. Và khi hiểu, bạn sẽ biết phải phát triển bản thân ở mảng nào để sau khi ra trường kiếm được công việc ưng ý”, Phương đưa ra lời khuyên.

Vì vậy, nữ sinh này cảm thấy may mắn khi quyết định nghỉ làm thêm đúng lúc và có cha mẹ hỗ trợ tài chính để dành thời gian trau dồi các kỹ năng khác.

“Một khoảng lặng để nghe, nghĩ và thực hành”, Phương miêu tả khoảng thời gian một tháng kể từ khi tập trung toàn thời gian cho việc học.

“Bạn phải thật tỉnh táo để không sa đà vào kiếm tiền từ việc làm thêm. Thay vào đó, hãy chọn đầu tư vào lợi ích lâu dài, tức là kiến thức và kỹ năng thay vì tiền bạc. Ở Anh thú vị là có mức lương tối thiểu, làm bất cứ công việc gì cũng đều bắt đầu ngang hàng như nhau. Mình chỉ làm thêm 20 tiếng/tuần cũng đã đủ trả tiền nhà, tiền ăn. Bạn cần hiểu rõ mục đích tiếp theo của bản thân để có kế hoạch rõ ràng”, Phương chia sẻ.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-chi-tieu-15-trieu-dong-moi-thang-o-anh-post1305261.html