Cách công dân tham gia xây dựng pháp luật

Trên cơ sở những vấn đề được kiến nghị trong đơn dân nguyện, Ủy ban Dân nguyện có quyền đệ trình yêu cầu về sáng kiến lập pháp kèm theo dự thảo luật có liên quan lên Chủ tịch Thượng viện. Cơ quan này đã và đang tích cực thực hiện quyền đệ trình các sáng kiến lập pháp như một con đường để công dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2024, Thượng viện Ba Lan tiếp nhận hàng trăm đơn dân nguyện của cá nhân, tập thể và đơn dân nguyện định kỳ. Số lượng đơn dân nguyện gửi đến Thượng viện đang tăng lên mỗi năm và phạm vi các vấn đề pháp lý được nêu ra cũng ngày càng được mở rộng. Nếu năm 2014, số lượng đơn dân nguyện trong cả năm là 24 đơn thì đến năm 2024, con số này là 127. Năm 2020, số đơn dân nguyện đạt mức cao nhất là 134 đơn, do đây là thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 với nhiều chính sách mới được đưa ra.

Các đơn dân nguyện không chỉ kiến nghị những vấn đề liên quan đến lợi ích nhỏ lẻ, mà ngày càng tập trung vào lợi ích cộng đồng và tập thể, kêu gọi sửa đổi nhiều văn bản pháp lý khác theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn. Sau đây là một số vấn đề tiêu biểu trong các đơn dân nguyện của công dân đã được thúc đẩy thành các đạo luật.

Sửa đổi Luật Thuế và Lệ phí địa phương năm 2015

Vào năm 2015, một đơn dân nguyện tập thể kêu gọi sửa đổi Luật Thuế và Lệ phí địa phương đã được người đứng đầu thành phố Ostrów Mazowiecka đệ trình lên Thượng viện. Các quy định về thuế có hiệu lực tại thời điểm đó đã đưa đến một nghịch lý, trong đó địa phương có nghĩa vụ phải tự trả thuế cho tài sản mà địa phương sở hữu.

 Nguồn: INT

Nguồn: INT

Sau khi xem xét đơn kiến nghị, Ủy ban Nhân quyền, Pháp quyền và Dân nguyện (nay là Ủy ban Dân nguyện) đã đệ trình yêu cầu đưa ra sáng kiến lập pháp lên Chủ tịch Thượng viện; đồng thời trình bày dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế và Lệ phí địa phương. Trên cơ sở những ý kiến kiến nghị trong đơn, dự thảo luật sửa đổi đưa ra quy định miễn trừ thuế mới đối với địa phương.

Vào ngày 25.3.2015, Chủ tịch Thượng viện đã chuyển dự thảo luật cho Ủy ban Lập pháp, Ủy ban Ngân sách và Tài chính công, Ủy ban Chính quyền địa phương và hành chính công xem xét. Tại Kỳ họp thứ 76 của Thượng viện, các thượng nghị sĩ đã thông qua nghị quyết về việc đề xuất dự thảo luật để Hạ viện thông qua. Và vào ngày 23.7.2015, Hạ viện đã thông qua luật sửa đổi Luật Thuế và Phí địa phương theo đúng kiến nghị của đơn dân nguyện. Luật sau đó có hiệu lực vào ngày 1.1.2016.

Sửa đổi Luật Cảnh sát và một số đạo luật khác năm 2017

Trên cơ sở một đơn dân nguyện được đệ trình năm 2017, Thượng viện đã thúc đẩy dự luật sửa đổi Luật Cảnh sát nhằm cho phép phục hồi chức vụ hợp pháp cho các sĩ quan cảnh sát và sĩ quan biên phòng đã được tuyên trắng án trong các thủ tục tố tụng hình sự, nếu họ từng bị sa thải do quyết định kỷ luật vì một hành vi cấu thành cả tội hình sự và kỷ luật.

Lần đọc đầu tiên diễn ra tại phiên họp chung của Ủy ban Lập pháp và Ủy ban Nhân quyền, Pháp quyền và Dân nguyện. Vào ngày 21.12.2017, Thượng viện đã thông qua nghị quyết về việc đề xuất một dự thảo luật sửa đổi Luật Cảnh sát và một số đạo luật khác lên Hạ viện. Hạ viện sau đó xem xét và thông qua dự thảo luật của Thượng viện vào ngày 12.4.2019. Quy định sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 27.6.2019.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cach-cong-dan-tham-gia-xay-dung-phap-luat-post403978.html