Cách để người dân có thể đổi giấy phép lái xe từ B1, B2 cũ sang bằng C1 mới
Hiện người dân chưa thể đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 lên C1 với hình thức online mà phải đến trực tiếp Sở GTVT nơi đang cư trú.
Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc đổi hạng giấy phép lái xe theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Trong đó, khó khăn nhất là khi đổi từ giấy phép lái xe hạng B1, B2 sang hạng C1.
Cụ thể, sau khi đổi hạng thành công, nhiều người bất ngờ khi thay vì được lên hạng C1, giấy phép lái xe mới của họ lại có hạng B với nhiều quyền lợi bị hạn chế hơn so với hạng B2 cũ.
Theo đó, giấy phép lái xe hạng B2 cũ cho phép tài xế được lái xe tải có trọng tải (khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở) dưới 3,5 tấn. Còn giấy phép lái xe hạng B mới chỉ cho phép tài xế lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn (tổng khối lượng của xe tải, người ngồi trên xe và hàng hóa chuyên chở).
Như vậy, nếu đổi từ hạng B2 cũ sang hạng B mới, tài xế chắc chắn phải chở ít hàng hóa hơn trước để sao cho tổng khối lượng đạt đúng 3,5 tấn, hoặc thậm chí phải bán xe tải cũ đi để mua những dòng xe tải nhỏ hơn. Trong khi đó, nếu người dân đổi thành công thành hạng C1 mới (được phép lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn), quyền lợi của tài xế sẽ gần như được giữ nguyên.

Những ngày gần đây, việc cấp đổi giẩy phép lái xe đang là vấn đề được dư luận quan tâm, nhiều địa điểm có thể thực hiện các thủ tục liên quan đều đã quá tải.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), trong quá trình làm thủ tục cấp đổi bằng lái, tài xế hạng B1, B2 cũ được quyền đổi thẳng sang hạng C1 mới nếu không muốn đổi sang hạng B. Điều này được nêu rõ ở điểm e, khoản 3, Điều 89 của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024.
Các chuyên gia cho rằng, việc đổi giấy phép lái xe theo phân hạng mới đang bị hiểu nhầm là bằng B1, B2 đổi mặc định về B dẫn đến người dân lúng túng trong cách chọn loại giấy phép lái xe khi cấp đổi từ cũ sang mới.
Để tránh nhầm lẫn, khi đổi bằng lái xe B2, ngay từ lúc khám sức khỏe, cá nhân có nhu cầu cần điền yêu cầu đổi bằng B2 sang C1. Khi đó phải khám sức khỏe ghi loại C1 và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 3 (theo quy định tại Thông tư 36/2024/TT-BYT).
Sau khi có giấy khám sức khỏe, tài xế thực hiện thủ tục cấp đổi cần điền đơn đổi GPLX hạng B2 thành C1 để tránh việc bị đổi mặc định về B.

Theo quy định mới nhất, tài xế có bằng lái hạng B1, B2 (cũ) được đổi sang hạng B hoặc C1. Tuy vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, lái xe có thể bị thiệt khi chuyển sang bằng B mới.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng phản ánh, cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam hiện chỉ cho phép đổi giấy phép lái xe các hạng B1, B2 cũ sang giấy phép lái xe hạng B. Khi chọn đổi giấy phép lái xe sang hạng C1, hệ thống hiện thông báo "hệ thống DVC chưa chuyển đổi hạng C1". Điều này cũng dễ khiến người dân hiểu nhầm rằng giấy phép lái xe hạng B1, B2 chỉ có thể đổi được sang hạng B.
Về việc này, cán bộ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cổng dịch vụ công Quốc gia chưa hỗ trợ đổi từ bằng B1, B2 sang C1, mà sẽ mặc định đổi sang bằng B. Do vậy, với những ai có nhu cầu đổi từ bằng lái B2 cũ sang bằng C1 mới cần phải nộp hồ sơ và làm thủ tục cấp đổi bằng trực tiếp tại Sở GTVT nơi đang cư trú.
Liên quan đến việc cấp đổi giấy phép lái xe, thông tin từ Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, hiện nay người dân Thủ đô có thể thực hiện thủ tục Cấp đổi giấy phép lái xe tại 32 Đại lý dịch vụ công trực tuyến do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost); Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cung ứng miễn phí.
Theo đó, 32 đại lý dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội cung ứng hỗ trợ miễn phí người dân Thủ đô thực hiện 30 thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đáng chú ý có cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID; cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ; đăng ký hộ kinh doanh; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn…



32 Đại lý dịch vụ công trực tuyến do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost); Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail).
Theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2025, giấy phép lái xe tăng lên 15 hạng gồm: A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE (quy định cũ gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE).
Đáng chú ý, hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 cũ mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh; hạng B1, B2 cũ phải đổi bằng lái mới. Quy định cũng nêu rõ, người đang sử dụng giấy phép lái xe theo phân hạng cũ thì tiếp tục được dùng đến khi hết hạn. Tới khi cấp đổi hoặc cấp mới giấy phép lái xe sẽ áp dụng theo phân hạng mới.
Người dân Hà Nội chật vật xếp hàng chờ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe.