Cách đi off-road với xe bán tải
Các xe bán tải đời mới được trang bị đa dạng chế độ lái, cũng như các tính năng hỗ trợ người lái hiện đại. Qua đó giúp việc chinh phục các cung đường off-road trở nên an toàn hơn.
Những mẫu xe bán tải thế hệ mới đã được trang bị đầy đủ các tính năng hiện đại giúp người lái dễ dàng hơn trong quá trình chinh phục các cung đường off-road. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người lái có phần chủ quan khi đi địa hình này. Người lái cần nắm một số kỹ năng cơ bản để hoàn thành các cung đường off-road một cách an toàn.
Dưới đây là một số chia sẻ của tay đua/hướng dẫn lái xe an toàn Tiến Trần đến từ đội đua AKA Racing, về cách xử lý khi đi qua các địa hình thường gặp ở các cung đường off-road.
Tư thế lái chuẩn khi đi đường off-road: Người lái cần có cho mình tư thế ngồi tốt như ngồi thẳng lưng, ghế cao hơn để có tầm quan sát rộng. Điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi để tay đặt vào vô lăng không quá với hoặc cấn. Kiểm tra khoảng cách để chân phanh và chân ga. Sử dụng cách cầm vô lăng 2 tay để xử lý nhanh và chính xác nhất.
Đường dốc: Khi phải đi qua những con dốc lớn, nên lựa chọn số thấp để ghì xe bằng lực máy. Để xuống dốc trở nên an toàn hơn, nên lựa chọn chế độ Hỗ trợ đổ đèo (HDC). Lúc này hệ thống HDC sẽ tự động phanh ghìm từng bánh giúp duy trì tốc độ xe. Hệ thống HDC sẽ hoạt động ở tốc độ dưới 36 km/h.
Đi dốc nghiêng: Người lái sẽ không quá lạ lẫm với các vách nghiêng khi trải nghiệm các cung đường off-road. Để vận hành xe một cách an toàn trong các tình huống lái xe nghiêng để tránh đường hẹp, hố hay chướng ngại vật, người lái có thể thực hiện theo cách sau. Lựa chọn chế độ 2 cầu, tiếp cận vách chéo góc xe nhất có thể, không đưa góc lái lên đỉnh vách sẽ gia tăng góc nghiêng, bám lái theo chân vách. Sau đó người lái tiếp tục đều ga, tránh dừng lại trên vách. Khi xe có hiện tượng trượt, tuyệt đối không đánh lái ngược hướng trượt, điều này sẽ khiến xe mất điểm trụ bám.
Đi qua hố: Việc di chuyển qua các hố trên đường khiến người lái sẽ khá lo sợ, nhưng thực tế với những dòng xe được trang bị chế độ 4x4 thì điều này không quá khó. Người lái sẽ phải kiểm soát lực bám, chân ga, góc lái, cân bằng, khoảng sáng gầm và tìm điểm đặt lốp. Lựa chọn chế độ 4H sẽ giúp phân bố thay đổi lực kéo, độ bám đường cho cả 4 bánh. Chế độ 4L sẽ tăng mô-men xoắn. Lựa chọn khóa vi sai để khóa 2 bánh cùng trục, khiến chúng quay đồng tốc, tăng lực kéo và độ bám khi có một bánh mất tiếp xúc.
Đi qua rãnh sâu: Các ụ nổi hay rãnh sâu xuất hiện ngang đường là điều không hiếm gặp trong cách hành trình off-road. Các ụ nổi hay rãnh sâu này có bề rộng lớn hơn đường kính của bánh xe, độ sâu và cao cũng lớn hơn khoảng sáng gầm xe. Gặp phải các tình huống này, người lái nên sử dụng chế độ 2 cầu (4H/4L), đi chậm chắc ga và đảm bảo không cho cả 2 lốp cùng trục bất kì nằm dưới rãnh hoặc trên đỉnh ụ.
Đường bùn lầy, trơn trượt: Việc di chuyển ở các cung đường bùn lầy, nhiều nước, sẽ làm giảm độ bám của lốp, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Gặp phải điều kiện đường di chuyển như trên, người lái chuyển sang chế độ Mud/Ruts (nếu có). Thực hiện đi đều ga và không dùng số thấp để tránh lực kéo quá khỏe làm lốp xoáy trượt. Nếu bánh xe bắt đầu trượt, có thể giảm ga để lốp lấy lại độ bám.
Đất sỏi: Địa hình này có độ bám thấp, vì vậy hãy lái xe với tốc độ chậm, hạn chế đánh lái đột ngột, qua đó giảm nguy cơ mất lực bám khi phanh dừng, tăng tốc hoặc vào cua khiến mất kiểm soát hướng lái. Người lái có thể sử dụng chế độ Slippery (Trơn trượt) với 4H và bật kiểm soát cân bằng nếu xe có công nghệ kiểm soát địa hình. Với cách thiết lập trên máy và hộp số tự động điều chỉnh làm giảm vòng quay lốp, kiểm soát độ trượt tối đa.
Leo dốc cao: Người lái cần quan sát thật kỹ phần đỉnh dốc cao, vì khi cho xe leo dốc sẽ không thể quan sát được địa hình phía trước. Chuyển sang chế độ 2 cầu và thực hiện lên dốc đều bằng một ga và thẳng lái.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-di-off-road-voi-xe-ban-tai-post1414167.html