Cách điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Thiếu sắt ở trẻ em là một vấn đề thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ từ nhẹ tới thiếu máu thiếu sắt. Nếu không điều trị tình trạng thiếu sắt có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
1. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ, bao gồm:
Nội dung
1. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
2. Biểu hiện thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
3. Điều trị tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
4. Mẹo để trẻ không bị thiếu sắt qua thực phẩm
Giảm cung cấp sắt do chế độ ăn uống: Chế độ ăn chay, không có thực phẩm giàu chất sắt; uống nhiều sữa bò mỗi ngày làm giảm hấp thu chất sắt trong thực phẩm.
Do bệnh lý gây giảm hấp thu sắt: Phẫu thuật cắt bỏ tá tràng, cắt dạ dày, bệnh viêm ruột; viêm dạ dày do H.pylori…
Tăng nhu cầu sắt: Trẻ sinh non, mắc một số bệnh lý mạn tính, hóa trị liệu…
Mất máu.
Phẫu thuật, chấn thương.
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid kéo dài.
Trẻ em là nhiễm ký sinh trùng (giun sán)...
Những trẻ nào có nguy cơ cao thiếu sắt:
Trẻ đẻ non hoặc trẻ đẻ thiếu cân.
Trẻ uống sữa bò hoặc sữa dê trước 1 tuổi.
Những trẻ sau 6 tháng tuổi có chế độ ăn dặm bằng những thực phẩm không chứa sắt.
Trẻ uống sữa công thức không được bổ sung sắt.
Trẻ từ 1- 5 tuổi uống nhiều hơn 710ml sữa bò, sữa dê hoặc sữa đậu nành mỗi ngày.
Trẻ có các tình trạng bệnh lý, như bệnh nhiễm trùng mạn tính, chế độ ăn kiêng.
Trẻ thừa cân hoặc béo phì.
Trẻ gái vị thành niên cũng có nguy cơ cao thiếu sắt do cơ thể mất sắt trong chu kỳ kinh nguyệt.
2. Biểu hiện thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Trường hợp thiếu sắt nhẹ, trẻ vẫn sinh hoạt gần như bình thường nên khó phát hiện. Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu sắt ở trẻ chỉ xuất hiện đến khi trẻ có biểu hiện thiếu máu.
Các dấu hiệu của thiếu máu thiếu sắt bao gồm:
Da của trẻ xanh xao.
Trẻ kêu chóng mặt.
Bàn tay, bàn chân trẻ thường bị lạnh.
Trẻ chậm lớn.
Trẻ chán ăn.
Trẻ hay bị nhiễm trùng.
3. Điều trị tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
3.1 Trẻ cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?
Trẻ mới sinh ra có lượng dự trữ sắt trong cơ thể được truyền từ mẹ sang. Tuy nhiên vẫn cần bổ sung một lượng cần thiết do trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh. Mỗi lứa tuổi cần lượng sắt khác nhau.
Dưới đây là hàm lượng sắt cần thiết cho trẻ mỗi ngày:
Trẻ từ 7-12 tháng: 11mg.
Trẻ từ 1-3 tuổi: 7mg.
Trẻ từ 4-8 tuổi: 10mg.
Trẻ từ 9-13 tuổi: 8mg.
Trẻ từ 14-18 tuổi, nữ: 15mg; nam: 11mg
3.2 Ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ
- Với trẻ đẻ đủ tháng, đủ cân nặng lúc sinh, được bú mẹ hoàn toàn:
Bắt đầu bổ sung sắt (1mg/kg/ngày) từ 4 tháng tuổi. Ngừng bổ sung sắt cho tới khi trẻ 12 tháng.
Sau 6 tháng nếu cho trẻ sử dụng thêm sữa công thức thì cần chọn loại có bổ sung sắt.
Không nên cho trẻ uống sữa bò trước 12 tháng tuổi.
Với trẻ đẻ đủ tháng, đủ cân nặng lúc sinh, được nuôi bằng sữa công thức:
Sử dụng sữa công thức tăng cường sắt cho tới khi trẻ được 12 tháng.
Nếu đã sử dụng sữa công thức tăng cường sắt cho trẻ em, không cần bổ sung thêm ngũ cốc tăng cường sắt cho trẻ.
Hạn chế sữa tươi cho tới khi trẻ 12 tháng.
- Trẻ đẻ non: Sau khi ra viện, bắt đầu bổ sung sắt cho trẻ (2mg/kg/ngày) hoặc sữa công thức tăng cường sắt. Nên bổ sung sắt sớm, không bổ sung muộn hơn 1 tháng sau khi ra viện, kéo dài tới 12 tháng.
- Trẻ đẻ non (cân nặng trên 1000g): Ăn sữa tăng cường sắt, không cần bổ sung thêm các chế phẩm chứa sắt khác.
- Trẻ bắt đầu ăn dặm:
Nên tập cho trẻ sử dụng đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều sắt và ngũ cốc có bổ sung sắt.
Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C, thịt, bổ sung cả 2 trong bữa ăn để tăng cường hấp thu sắt.
3.3 Điều trị thiếu máu thiếu sắt cho trẻ
Trong điều trị thiếu máu thiếu sắt, cần giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời điều chỉnh chế độ bổ sung sắt.
- Bổ sung sắt bằng đường uống:
Cho trẻ dùng từ 3-5 mg sắt nguyên tố/kg/ngày (thường dùng dạng kết hợp với acid folic).
Uống khi bụng đói để tăng cường hấp thu. Nếu trẻ bị kích ứng gây khó chịu dạ dày thì có thể uống trong bữa ăn.
Thời gian sử dụng từ 3-6 tháng.
Ngoài bổ sung sắt thì cần bổ sung vitamin C hoặc uống nước cam để tăng hấp thu sắt.
Tác dụng phụ có thể xảy ra do sắt uống như khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và phân sẫm màu.
- Điều trị nguyên nhân: Cần xác định chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt để tránh gây thiếu sắt tái phát.
- Truyền máu: Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu khi thật sự cần thiết.
4. Mẹo để trẻ không bị thiếu sắt qua thực phẩm
Đối với những trẻ lớn, nguồn cung cấp sắt tốt bao gồm thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu và rau dền... Nên cho trẻ ăn đầy đủ, thường xuyên các loại thực phẩm này.
Uống quá nhiều sữa tươi cũng là nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ. Vì thế cha mẹ không nên ham cho trẻ uống quá nhiều sữa. Theo đó, trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5, không nên cho trẻ uống nhiều hơn 710ml sữa tươi mỗi ngày.
Tăng cường hấp thu sắt qua các thực phẩm giàu vitamin C: Các loại quả có vị chua, dưa lưới, việt quất, ớt chuông, cà chua, rau màu xanh đen.
Thiếu sắt và thiếu máu thiếu sắt là một chẩn đoán dựa vào xét nghiệm. Theo AAP (Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ) khuyến cáo rằng, tất cả trẻ em nên kiểm tra thiếu máu thiếu sắt giữa tháng thứ 9 và 12. Những trẻ có yếu tố nguy cơ cao nên kiểm tra nhắc lại vào những năm sau.
Đối với trẻ đủ tháng không được sử dụng sữa công thức tăng cường sắt và trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ cần sàng lọc lúc 9 tháng tuổi.
Đối với trẻ đẻ non không được sử dụng sữa tăng cường sắt, sàng lọc trước 3 tháng tuổi.
Hoãn sàng lọc nếu đang mắc hoặc đã mắc các bệnh lý nhiễm trùng trong vòng 2 tuần. Bởi vì kết quả sàng lọc lúc này sẽ đánh giá không chính xác.