Cách đo huyết áp tại nhà

Theo dõi tại nhà là một cách quan trọng để xác nhận xem người bệnh có bị cao huyết áp hay không.

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính có tỷ lệ người mắc tương đối cao và xu hướng ngày càng tăng. Bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh được chẩn đoán khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng, có tới trên 50% chưa phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

Biến chứng của bệnh tăng huyết áp cao gây tổn thương ở các cơ quan như tim, não, thận, mắt...

Để kết quả điều trị tăng huyết áp hiệu quả, ngoài việc người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ dùng thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, việc đo huyết áp tại nhà và kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh là rất quan trọng.

 Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và xu hướng ngày càng tăng. Ảnh: Freepik.

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và xu hướng ngày càng tăng. Ảnh: Freepik.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ không khuyến khích các thiết bị đo huyết áp ở cổ tay hoặc ngón tay vì chúng có thể cho kết quả kém tin cậy hơn. Ngưỡng chẩn đoán bệnh huyết áp cao có thể dao động nhẹ tùy theo từng cách đo huyết áp khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào trị số huyết áp có được sau khi đo huyết áp đúng quy trình được thực hiện bởi cán bộ y tế, phân độ huyết áp được chia thành các cấp như sau:

- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg.

- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.

- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.

- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥100 mmHg.

- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg.

- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.

- Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất

 Theo dõi huyết áp tại nhà không thể thay thế cho việc đến gặp bác sĩ và máy đo cũng có thể tồn tại một số hạn chế. Ảnh: Pisatoday.

Theo dõi huyết áp tại nhà không thể thay thế cho việc đến gặp bác sĩ và máy đo cũng có thể tồn tại một số hạn chế. Ảnh: Pisatoday.

Đo huyết áp tại nhà như thế nào?

Muốn đo huyết áp cho kết quả chính xác, người bệnh cần lưu ý:

- Trước khi đo, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 5 phút, không được hút thuốc, không dùng chất kích thích. Ăn, vận động 30 phút trước khi đo, nên ở phòng yên tĩnh, không nói chuyện trong quá trình đo.

- Người bệnh chọn tư thế thoải mái nhất. Tư thế đo có thể nằm hoặc ngồi. Khi ngồi thì lưng tựa thẳng vào ghế, chân đặt thẳng trên sàn.

- Tay không cầm nắm, thả lỏng khuỷu tay ngang tim.

- Quấn bao huyết áp trên khuỷu tay 2-3 cm.

- Bật máy, chờ và đọc kết quả.

Để có kết quả chính xác nhất, bạn nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 5 phút. Nếu giá trị giữa 2 lần chênh nhau quá 10 mmHg, bạn cần đo lại thêm vài lần với thời gian nghỉ lâu hơn. Lấy giá trị trung bình của 2 lần đo cuối làm kết quả.

Người dân nên đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày, lưu lại các kết quả huyết áp để theo dõi và tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng của bản thân.

Điều dưỡng Hoàng Thị Bích

Khoa khám bệnh Cán bộ cao cấp, BVTƯ Quân đội 108

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-do-huyet-ap-tai-nha-post1512164.html