Cách đối phó với đồng nghiệp xấu tính
Mạng xã hội Mỹ lan truyền hình ảnh một đồng nghiệp 'không thân thiện' khi yêu cầu nhân viên mới phải nhường chỗ dù căn phòng còn nhiều ghế trống. Newsweek chỉ ra cách đối phó.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Mumset, một người dùng kể cô bắt đầu công việc tại công ty mới vào ngày 18/10. Tuy nhiên, các hành động của đồng nghiệp mới khiến cô bối rối.
Tài khoản này cho hay sau ngày làm việc thứ 2, vô tình gặp đồng nghiệp trên tàu, cô đã mỉm cười chào. Tuy nhiên, cô chỉ được đáp lại bằng ánh nhìn lạnh lùng và nghĩ đồng nghiệp không nhận ra mình.
Sau đó, trong ngày làm việc thứ ba, khi cô gái đang ngồi trên ghế sofa lớn tại công ty, nữ đồng nghiệp nói trên đi tới gần cô và yêu cầu trả lại chỗ ngồi.
“Cô ấy tiến đến với một bình trà và bánh sandwich. Thay vì ngồi cùng trên chiếc ghế lớn hoặc ở vị trí khác trong phòng, cô ấy nói rằng cô đang ngồi vị trí đó. Tôi cảm thấy xấu hổ, đứng dậy và đi ra chỗ khác”, chủ tài khoản chia sẻ
Trong phần bình luận, người đăng ban đầu đề cập đồng nghiệp mới của cô "ghê tởm" khi tiếp cận với những nam nhân viên trẻ tuổi hơn.
Bên dưới bài đăng, nhiều bình luận phán đoán chủ tài khoản có thể nhận được công việc mà đồng nghiệp kia từng làm. Vì vậy, cô không nhận được sự hài lòng từ người đi trước. Người khác lại cho rằng nơi làm việc nào cũng có ít nhất một người như vậy.
Khó chịu với đồng nghiệp
Tháng 3/2022, một cuộc khảo sát cho thấy trong số 1.902 nhân viên tại Mỹ, 31% cảm thấy khó chịu với đồng nghiệp vài lần một tuần.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Quality Logo Products chỉ ra những kiểu hành vi khó chịu nhất ở nơi làm việc là làm gián đoạn, kiêu ngạo và coi thường công việc của người khác.
Trao đổi với Newsweek, bà Donna Clark-Love - chuyên gia về bắt nạt, người từng chia sẻ những mẹo để đối phó với người xấu tính tại nơi làm việc - cho biết điều mà nhân viên mới này phải đối mặt là hành vi của đồng nghiệp tại nơi làm việc.
“Học cách quản lý họ sẽ khiến tất chúng ta mạnh mẽ, kiên cường hơn và tự tin hơn”, bà Clark-Love nói.
Cách giải quyết
Bà Clark-Love gợi ý một số cách để đối phó với những hành vi “xấu tính” này.
Hãy phớt lờ: Bạn cần cố gắng ngăn chặn điều tiêu cực mà những người xấu tính tạo ra. Đừng coi những gì họ nói hoặc làm với tư cách cá nhân. Đôi khi, phản ứng hiệu quả nhất bạn dành cho kẻ bắt nạt là không làm gì cả. Việc phớt lờ có thể khiến họ rút lui. Nếu không thể trả lời một cách bình tĩnh, bạn hãy bỏ đi
Lựa chọn: Bạn có thể lựa chọn bỏ qua hành vi hoặc giải quyết nó dứt điểm bằng cách nêu cảm xúc của mình. Sử dụng những câu như “Khi bạn… tôi cảm thấy…” hoặc “Trong thời gian tới, tôi muốn bạn…”.
Tử tế và lịch sự là phương châm: Hãy tỏ ra tử tế (nhưng không quá tử tế hoặc giả tạo) với những đồng nghiệp xấu tính.
Suy nghĩ về cách phản hồi trong các tình huống sau này: Hãy tìm cách giải quyết vấn đề với người này một cách chuyên nghiệp mà không phải nể nang cấp độ của họ. Ví dụ, nếu bạn ở cùng một đội, bạn có thể tìm thấy điểm chung để xích lại gần nhau. Nếu không, bạn có thể nhờ một bên thứ ba tham gia. Trong mọi trường hợp, hãy ghi lại những gì đang xảy ra để có cái nhìn khách quan.
Đừng trở thành người xấu tính: Bản chất của con người là muốn trả đũa với người đang đối xử không tốt với mình. Điều đó chỉ làm trầm trọng thêm tình hình và không đáng để bạn làm.
Tìm sự ủng hộ: Khi bạn bị ngược đãi cá nhân, nhất là với tư cách là một nhân viên mới, hãy gặp gỡ và chia sẻ với những người ủng hộ bạn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-doi-pho-voi-dong-nghiep-xau-tinh-post1367764.html