Cách dọn mâm cơm và để phần cơm của người Hà Nội xưa - nét đẹp của sẻ chia và ký ức!
Chuyện dọn mâm bát và để phần người ăn sau được nhiều nàng dâu lên mạng 'bóc phốt'. Thế nên, chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung đã chia sẻ nét đẹp về cách dọn mâm bát khi ăn và để phần người ăn sau sao cho nhìn là muốn ăn, chứ không phải là tung hê hết mâm bát như một số người hay về ăn muộn than phiền.
Dọn mâm bát chuẩn bị ăn cơm thời xưa
Hồi bé nhiều lần mẹ tôi dọn hàng, tuy bận kéo nốt khung cửa sắt cũ kỹ để đóng cửa nghỉ tối, bà vẫn kịp ngó vào chiếc phản gian trong. Nếu thấy còn trống trơn là bà cao giọng gọi vóng lên nhà trên: "Hôm nay đến lượt đứa nào dọn mâm bát mà 6 giờ tối rồi chưa thấy động dạng gì nhỉ?".
Thế là chị em tôi dù đang mải đọc truyện, hay chơi đồ hàng... bắt đầu chạy rầm rập xuống cầu thang và thi nhau truy vấn xem đến lượt đứa nào đúng phiên dọn mâm bát (các gia đình Hà Nội xưa thường rất đông con, ít thì 3-4 con, nhiều thì 7-8 đứa). Và tôi là đứa đãng trí nhất nhà thường hay đắc tội nên bị mẹ mắng nhiều nhất.
Hồi trước nhiều nhà khá giả ở Hà Nội chỉ có bố đi làm lo nuôi sống cả nhà. Mẹ ở nhà lo nội trợ, nuôi con với sự hỗ trợ của những người giúp việc. Vào những năm chiến tranh, bao cấp cuộc sống khó khăn hơn, cả bố lẫn mẹ đều lăn ra kiếm kế sinh nhai.
Nhiều nhà bố ra chiến trường, mẹ vào nhà máy, xí nghiệp làm tối mắt tối mũi. Bởi vậy, trẻ em trong các gia đình hầu như tự lực hết các việc nhà, nhẹ nhất là việc dọn mâm bát và rửa bát.
Mỗi khi dọn mâm bát chuẩn bị ăn cơm, tôi thường vào nhà ngang, rướn người lấy chiếc mâm trên nóc chạn đặt lên chiếc ghế đẩu gỗ cũ và bắt đầu dọn mâm bát. Vừa làm vừa đếm xem bữa nay có bao nhiêu người ăn để lấy đủ bát đũa. Xem nhà nấu món canh, món mặn gì để lấy đúng bát tô, và các loại muôi thìa, đĩa ớt, vịt nước mắm, lọ dấm tỏi, lọ hạt tiêu…
Các chị em tôi dọn mâm bát ăn cơm rất cẩn thận, vừa đủ bát đũa cho mọi người. Nhưng tôi hay lơ đãng, đểnh đoảng nên hay dọn thừa, đếm nhầm bát đũa.
Nhiều khi tôi bốc cả nắm đũa, bê cả chồng bát ra cho tiện - thành ra mâm bát đũa tôi dọn chưa có thức ăn mà đã nặng trịch… và cũng hay bị mẹ mắng vì tội "thêm bát đũa là nhà có khách" - mà hồi ấy nhà ai cũng nghèo, đông con, bận làm ăn nên nhiều nhà rất sợ có khách.
Dọn mâm bát đũa rồi bê lên bày lên phản nhà trên là lượt thứ nhất. Tiếp theo là lượt bê dưa cà, các thức ăn dự trữ như lạc rang, trứng muối, trám dầm… bày vào chiếc mâm nhỏ tiếp lên, dồn vào mâm lớn. Trong khi đó các chị em xúm đưa bê giúp chiếc nồi gang nấu cơm nặng trĩu, đứa bê nồi canh, niêu cá… Ai cũng đói rồi nên chả đứa nào so đo chuyện tới phiên ai dọn mâm bát nữa, chỉ thấy mùi cơm cá thơm đến ứa nước miếng.
Nhà Hà Nội xưa hiếm có phòng ăn riêng, không có bàn ghế ăn riêng như kiểu bếp - bàn ăn liên hoàn thời hiện đại. Bữa ăn thường diễn ra trong gian phòng chính, có khi kiêm phòng khách, phòng ngủ của nhiều gia đình.
Đa phần đặt mâm luôn trên chiếc phản, hay chiếc giường to sau khi cuốn chiếc chiếu ngủ sạch sẽ dém vào đầu giường thì trải cái chiếu dùng để ăn cơm cũ kỹ nhuôm nham thế chỗ để cả nhà ngồi ăn.
Khi nào ăn xong thì dọn mâm bát đi, giũ chiếu ăn xoành xoạch xuống nền gạch, quét dọn sơ qua rồi trải chiếu ngủ lên để lại nằm lên.
Cũng trên chiếc giường hay phản ấy, khi nào nhà có khách đến ăn cơm, hay có đám giỗ chạp, thì sẽ trải lên chiếc chiếu in hoa xanh đỏ, cạp vải điều xung quanh.
Khách về, gia chủ lại nhấc chiếc chiếu hoa lên giũ sạch, hong nắng, phơi khô cất cao trên gác xép. Giờ nhà phố toàn dùng chiếu điều hòa vừa đẹp vừa bền, vắng bóng chiếu trắng, chiếu hoa hoa khiến nhiều người tiếc nhớ.
Nét đẹp để phần cho người ăn sau
Ngày xưa chỉ có cơm là chính, thức ăn điểm xuyết và ai cũng ăn rất khỏe, mỗi người ăn 3-4 bát là chuyện thường.
Trước khi vào bữa mẹ tôi hay hỏi xem có ai đi muộn chưa về kịp thì xới cơm, múc canh để phần.
Thời ấy bữa cơm tối mọi người tề tựu khá đầy đủ - vì trẻ con không phải đi học thêm nếm như ngày nay. Người lỡ bữa chỉ có thể là công nhân làm ca kíp, hay sinh viên đi sinh hoạt Đoàn thanh niên, tập văn nghệ...
Phần cơm và thức ăn để dành cho người vắng mặt phải gắp riêng - thường được để phần nhiều hơn các suất ăn khác một chút. Ví như mỗi người được ăn 3 con tôm rang, 3 miếng đậu rán, thì suất để phần phải là 4 con tôm, 5 miếng đậu chẳng hạn.
Suất cơm để phần được xới đủ 3-4 bát, có khi nhiều hơn, được xới ra chiếc âu sứ nhỏ, hay ngăn cặp lồng nhôm rồi đậy kín, bọc vào khăn bông, hay chiếc áo cũ, rồi ủ vào trong chăn để người về muộn ăn nóng, ăn ngon - bởi thời ấy chưa có nồi cơm điện, hay lò vi sóng để tiện hâm nóng cơm canh dễ dàng như bây giờ?
Giờ lớp trẻ Hà Nội ăn uống sung sướng, dư giả thậm chí thừa mứa nên khó có thể hình dung thời ông bà cha mẹ chúng phải ăn cơm và thức ăn chia cho từng người - nhất là những nhà nghèo, đông con. Nhà tôi mẹ có nghề buôn bán lặt vặt nên còn đỡ nghèo, nhưng cơm nước rất tằn tiện.
Tất cả cơm, canh, thức ăn được để phần người ăn sau được bày vào mâm nhỏ, đậy lồng bàn cẩn thận, tránh thạch sùng, gián, côn trùng "xâm phạm".
Nhờ có cách để phần cơm canh và thức ăn trong mâm bát như thế, nên những người đi làm ca, hay sinh hoạt tập thể... phải về muộn vẫn có cơm nóng sốt, thức ăn ngon, canh ngọt để nhìn vào mâm cơm để phần là muốn ăn ngay.
Giờ nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ nét đẹp để phần cơm, canh, thức ăn cho người đi vắng phần nhiều hơn, sạch sẽ tinh tươm để người về là hâm lại bằng lò vi sóng để ăn.
Nhưng tiếc rằng nét đẹp để phần cơm ấy nhiều gia đình quên lãng, không dạy lại con cháu nên phần cơm canh để dành nhìn như đồ ăn thừa, khiến người về muốn chỉ muốn tung hê cả mâm chứ không muốn ăn nữa.