Cách dùng tiền dành cho người sợ ghi chép, quản lý chi tiêu

Nếu quá bận rộn hoặc mệt mỏi với việc ghi chép chi li nhưng tiền vẫn 'thiếu trước hụt sau', bạn có thể cân nhắc áp dụng Zero-based Budgeting (ZBB).

Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tôi đã gặp nhiều người có nỗi sợ đối với việc quản lý chi tiêu.

Theo họ, đây là quá trình phức tạp, tốn nhiều thời gian để điền vào hàng loạt bảng biểu thống kê. Lấy lý do bận rộn, họ hầu như không thể duy trì thói quen ghi chú này đủ đều đặn để thực sự kiểm soát quỹ tiền của mình.

Cũng phải loay hoay với lịch làm việc dày đặc, tôi thấu hiểu nỗi “ám ảnh” khi phải liên tục tập trung vào những con số. Chưa kể, cứng nhắc làm theo các nguyên tắc tài chính cũng không phải phương án phù hợp.

Để giải quyết tình trạng này, tôi bắt đầu áp dụng Zero-based Budgeting (ZBB), hay còn lại là phương pháp lập ngân sách với số 0. Nhờ đây, chúng ta có thể chủ động kế hoạch tiêu từng đồng tiền kiếm được, cũng như không để bản thân chạy theo thói quen thường nhật.

Khái niệm

Nói một cách dễ hiểu, ZBB là phương pháp lập ngân sách chi tiêu cá nhân, sao cho:

Trong đó:

Thu nhập là tất cả số tiền bạn kiếm được trong một tháng bao gồm: Lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng, lợi nhuận kinh doanh…
Chi tiêu là tất cả số tiền mà bạn dự chi trong tháng, trừ khoản tiết kiệm định kỳ.

Khi áp dụng ZBB đúng cách, số dư của bạn sẽ về 0 sau khi đã chia đủ tiền vào các mục như tiền tiết kiệm, chi phí sinh hoạt cơ bản (tiền thuê nhà, điện, nước, xăng xe), ăn uống (tiền chợ, ăn ngoài, cà phê) và các chi phí khác (mua quần áo, tập thể thao, xem phim, chăm sóc thú cưng...).

Nếu chỉ tập trung vào phần chi tiêu, ZBB là phương pháp tôi thường sử dụng nhất. Cụ thể, tôi luôn chỉ chi tiêu trong 80% tổng thu nhập tháng (20% còn lại dành cho tiết kiệm). Phần này được phân bổ theo ngày và không được phép xài "lố tay".

Ưu - khuyết điểm của ZBB

Trong quản lý tài chính cá nhân, không có phương pháp nào dành cho tất cả và Zero-Based Budgeting cũng thế.

Trước hết, lối ghi chú chi tiêu này dành cho người bận rộn, không có nhiều thời gian để tập trung ghi chép từng khoản tiêu trong ngày. Đây là cũng giải pháp phù hợp cho nhóm “sợ” số liệu, dễ khủng hoảng với các khâu tính toán phức tạp.

 Để áp dụng ZBB, người trẻ cần theo dõi kỹ thói quen chi tiêu của mình trong 2 tháng trước đó. Ảnh minh họa: Fauxels/Pexels.

Để áp dụng ZBB, người trẻ cần theo dõi kỹ thói quen chi tiêu của mình trong 2 tháng trước đó. Ảnh minh họa: Fauxels/Pexels.

Về mặt lợi ích, Zero Based-Budgeting cho bạn cái nhìn tổng quan về thu chi và biết được khoản nào cần ưu tiên.

Qua đó, chúng ta có thể phân bổ mọi thứ ngay từ đầu (lúc nhận lương) để tránh việc “vung tay quá trán” hoặc xài “lậm” vào những phần tiền cần được để riêng. Theo kinh nghiệm của tôi, ZBB buộc người ta có kỷ luật hơn trong các khoản chi. Bởi khi tiêu hết quá nhanh, bạn phải chờ đến kỳ lương tiếp theo.

Mặt khác, phương pháp này mang lại một sự tự do có kỷ luật. Nghĩa là với kế hoạch chi tiêu có sẵn, bạn có thể mua bất cứ thứ gì bạn muốn, miễn là nó luôn nằm trong vòng tiền quy định hàng tháng.

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng phương pháp nào cũng có hạn chế nhất định. Chẳng hạn, để thực hiện ZBB, bạn phải bắt đầu quản lý chi tiêu bằng hình thức ghi chú chi tiết trong ít nhất 2 tháng.

Nếu không, bạn sẽ khó nhìn nhận đúng đắn về thói quen và hành chi sử dụng tiền bạc của mình. Bên cạnh đó, ZBB cũng khó phù hợp với nhóm không có thu nhập cố định.

Cách áp dụng

ZBB có thể được áp dụng theo từng chu kỳ: tháng, quý, năm. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng duy trì thói quen của từng người.

Để bắt đầu thực hiện ghi chú theo phương pháp này, chúng ta cần bám sát 3 bước sau:

Tính tổng thu nhập: Liệt kê tất cả các khoản thu nhập của mình trong một tháng, bao gồm cả lương cứng, thưởng và thù lao freelance (lấy số đã trừ thuế).

Quan sát chi tiêu trước đây: Hãy dành thời gian rà soát lại chi tiêu trong 1-2 tháng gần nhất để kiểm tra lại thói quen tiêu xài của mình. Nhờ đây, có thể bạn sẽ nhận ra nhiều vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến ví tiền mà trước giờ vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.

Phân loại và dự chi tháng mới: Thay vì để quá nhiều khoản nhỏ nhặt, tôi khuyên mọi người nên phân loại chúng vào các đầu mục lớn. Sau đó, chúng ta sẽ sắp xếp đầu mục theo thứ tự ưu tiên, chẳng hạn:

Tiền thuê nhà, điện nước
Tiền trả nợ thẻ tín dụng, nợ ngân hàng...
Chi phí đi lại
Chi phí ăn ngoài
Chi phí mua sắm, gồm quần áo và các đồ dùng không thiết yếu.

Giả sử, tổng thu nhập của bạn trong tháng này là 15 triệu đồng. Bạn có các khoản tiền cần tiêu gồm chi phí sinh hoạt, tiết kiệm, nhu cầu cá nhân (giải trí) và trả nợ.

Bảng ngân sách của bạn trong một tháng sẽ được lên như sau:

Nếu trừ ra số âm, bạn đã dự chi hoặc chi quá nhiều. Nếu ra số dương, lời khuyên của tôi là chuyển khoản tiền thừa này vào tài khoản tiết kiệm, hoặc quỹ khẩn cấp cho kỳ sau.

Bên cạnh đó, lời khuyên của tôi là áp dụng ZBB từng ngày cho phần "nhu cầu cá nhân" 4 triệu đồng kể trên. Nghĩa là bạn có khoảng 130.000 đồng/ngày để tùy ý phục vụ sở thích và các nhu cầu theo mong muốn, thay vì phải đắn đo ghi chép thêm.

Hồng Anh

Đồ họa: Yến Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-dung-tien-danh-cho-nguoi-so-ghi-chep-quan-ly-chi-tieu-post1416811.html