Cách giáo dục kỹ năng giúp con quản trị thay vì kìm nén cảm xúc
Không ít trẻ dễ nổi cáu và hành động theo cảm tính. Khi đó, gia đình là nơi tốt nhất giúp trẻ điều tiết cảm xúc. Kiềm chế được cho là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng với trẻ.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách quản trị cảm xúc, thay vì kìm nén cơn giận. Hãy dạy con rằng, cảm xúc tồn tại, nhưng có thể được quản lý một cách phù hợp trong các hoàn cảnh.
Người kiểm soát cơn giận
Ngay từ nhỏ, nhiều trẻ em đã được cha mẹ dạy không nên tức giận hay buồn. Thậm chí, việc thể hiện thái độ tức giận ở trẻ là điều không được khuyến khích. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, giận dữ là một phản ứng tự nhiên của con người. Đáng nói, không ai có thể ngăn cản hay cấm người khác tức giận.
Bởi, ngăn cấm có thể gây hại rất lớn đến sự phát triển tâm lý cũng như sức khỏe của người khác, đặc biệt là với trẻ em.
Song, không vì thế mà cha mẹ có thể để mặc trẻ thể hiện cảm xúc. Bởi, khi tức giận, con người dễ dàng có những hành động sai lệch, gây ra hậu quả khó lường. Do đó, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ khuyến cáo, phụ huynh có thể hạn chế cảm xúc tức giận ở trẻ bằng cách dạy con biết “kiểm soát” cơn giận.
Theo chuyên gia tâm lý - ThS.BS Nguyễn Lan Hải, một trong những điều trẻ dễ học nhất là nổi giận, thậm chí nói tục chửi bậy. Nhiều cha mẹ cho rằng, tình trạng này xảy ra khi con quá bức xúc. Ngược lại, không ít phụ huynh bất ngờ và phản ứng gay gắt, thậm chí là đánh con. Trong khi đó, có người lại cho rằng, “cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”.
“Tất cả trẻ nhỏ đều biết phản ứng trước những điều không thích, như tỏ thái độ buồn bực, giận dữ, la hét, khóc lóc ăn vạ. Cha mẹ chính là người kiểm soát, kiềm chế sự tức giận của con từ lúc mới manh nha”, ThS Lan Hải chia sẻ.
Thường xuyên cáu giận từ nhỏ, một số trẻ cho rằng mình có quyền gây chú ý. Những đứa trẻ này không thể tự nguôi ngoai khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu, tính nết hung hăng, dễ nổi cáu, không biết nhường nhịn.
ThS Lan Hải dẫn chứng, một số chuyên gia tâm lý khuyến cáo, cha mẹ cần ngay lập tức ngăn con lại, giải thích để trẻ không bắt chước thói xấu của người khác. Ngoài ra, cần đặt ra một số nguyên tắc trong nhà và nhắc nhở thường xuyên. Như vậy, con sẽ hiểu được điều gì được và không được làm.
Đặc biệt, phụ huynh không nên thỏa hiệp với con, tránh để trẻ hình thành thói quen xấu. Tuy nhiên, hành động đánh đập sẽ được “ngầm” hiểu là, phụ huynh đã hết cách và chịu thua con.
Do đó, ThS Lan Hải khuyến khích, phụ huynh nên tôn trọng cảm xúc của con như với một người lớn khác. Cần lưu ý, không đùa thái quá, mỉa mai, chọc giận con.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên kể chuyện và dạy con thói quen đọc sách, tìm bạn tốt cho con. Đặc biệt, nên khen ngợi mỗi khi con làm việc tốt và tuyệt đối không so sánh trẻ với “con nhà người ta”.
Tiết chế cảm xúc nhờ kỹ năng
Trong khi đó, theo chị Lê Thị Lan Anh - giáo viên tại Câu lạc bộ kỹ năng sống Cara, kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng với trẻ từ 2 - 12 tuổi. Đây cũng là kỹ năng cần thiết đối với phương pháp dạy con của các phụ huynh. Nhờ kỹ năng sống cần thiết, trẻ có thể trau dồi để ứng xử và hòa nhập với thế giới.
“Khi một đứa trẻ không thể nói được cảm xúc lúc tức giận hay buồn, chúng chỉ biết ném đồ vật xuống sàn và hét. Lúc này, bố mẹ phải dạy con nhận diện được cảm xúc và hành vi phù hợp để biểu hiện tâm trạng.
Bắt đầu bằng cách dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó, nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Khi chắc chắn trẻ đã hiểu được ý nghĩa hành động của mình, hãy động viên con biết kiềm chế hoặc bộc lộ tâm trạng phù hợp với hoàn cảnh”, giáo viên Lan Anh cho biết.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là cha mẹ trang bị cho con kỹ năng lắng nghe. Việc lắng nghe người khác một cách cẩn thận giúp thể hiện sự tôn trọng và có thể giải quyết vấn đề, kiềm chế cảm xúc dễ hơn. Đặc biệt, bố mẹ cần phân biệt cho con thấy sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe. Việc lắng nghe giúp con xử lý tình huống tốt hơn và không dễ dàng cáu gắt khi giao tiếp.
Một trong những phương pháp giúp con tiết chế cảm xúc là để trẻ nhận ra hậu quả của việc nóng giận. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chỉ trích những cơn giận của con. Bởi, đó là cảm xúc tự nhiên của tất cả mọi người.
Thay vào đó, phụ huynh nên dạy con những điều nên làm khi cảm thấy tức giận để có cách ứng xử tích cực, sáng suốt. Chú trọng tới việc phân tích cho con hiểu rằng, tức giận do những cảm xúc tiêu cực gây nên. Như vậy, con sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn khi có cảm xúc tiêu cực.
“Những tính cách của con không phải tự nhiên mà hình thành. Trẻ học những điều đầu tiên về cuộc sống là từ bố mẹ - những người thân thiết nhất. Muốn con kiềm chế cảm xúc tốt, đầu tiên, bố mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi”, chị Lan Anh nhấn mạnh.
Do đó, khi bố mẹ nổi nóng, con sẽ nghĩ đó là hành vi đúng đắn để thể hiện sự không hài lòng. Như vậy, con sẽ bắt chước. Ngược lại, khi phụ huynh bình tĩnh và giải quyết tình huống theo hướng tích cực, trẻ sẽ quan sát và học theo.
Phụ huynh cũng được khuyến khích sử dụng một số “quyền lực” và đặt ra quy tắc. Cần giải thích rõ lý do đằng sau các điều luật này.
“Hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại. Khuyến khích chúng chơi thể thao, tìm kiếm những trò chơi bên ngoài và kết bạn. Các trò chơi như chạy nhảy, ném bóng, nhảy lò cò sẽ tiêu hao nhiều năng lượng thừa, giúp đầu óc tỉnh táo hơn”, nữ giáo viên chia sẻ.
Không trốn chạy khỏi cảm xúc
Theo chuyên gia tâm lý Phan Linh, kỹ năng điều tiết cảm xúc kém có liên quan đến nhiều hệ quả tiêu cực, bao gồm sức khỏe thể chất không tốt. Kìm nén cảm xúc cũng có liên quan đến các bệnh tim mạch và hen suyễn. Dù kết quả chưa thực sự thuyết phục, nhưng một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc điều tiết cảm xúc kém và rối loạn tâm thần.
“Cách nói chuyện với trẻ em về cảm xúc có tác động đến sự tư duy về xã hội, học tập và tâm lý của chúng sau những năm thơ ấu. Chúng ta cũng biết rằng, trước khi có thể dạy trẻ điều tiết cảm xúc, ta phải học cách quản lý cảm xúc của chính mình.
Trẻ em học được nhiều hơn từ việc quan sát hành động chúng ta làm, hơn là lắng nghe chúng ta nói. Khi ta cho trẻ một khuôn khổ phù hợp, chúng ta cung cấp cho chúng những công cụ cần thiết để chúng có thể quản lý cảm xúc của chính mình”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bởi vậy, theo chuyên gia Phan Linh, cha mẹ cần dạy trẻ cách quản lý cảm xúc, thay vì kìm nén. Hãy dạy con rằng, cảm xúc tồn tại, nhưng có thể quản lý. Chuyên gia này dẫn chứng, các nghiên cứu về điều chỉnh cảm xúc đề cập đến việc tập trung vào giải pháp tiềm năng, như sửa đổi tình huống. Điều đó có nghĩa là cố gắng sửa đổi tình huống để thay đổi tác động lên cảm xúc.
Quyết định bỏ qua một sự kiện bản thân ghét là một chiến lược điều tiết cảm xúc phổ biến. Điều này thường được gọi là lựa chọn tình huống. Đây cũng là hành động tiếp cận hoặc tránh các tình huống, địa điểm hay người nhất định để điều chỉnh cảm xúc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cảm xúc không chỉ đơn giản là làm giảm cảm xúc tiêu cực. Bởi, cảm giác tiêu cực đó chỉ giảm trong ngắn hạn.
Thực tế, thay đổi nhận thức đề cập đến việc sửa đổi cách mỗi người đánh giá năng lực trong việc quản lý các tình huống khơi gợi cảm xúc.
“Chúng ta thường đối phó với cảm xúc bằng cách đánh giá lại (thay đổi cách chúng ta nhìn nhận các tình huống) hoặc kìm nén. Mặc dù vẫn chưa rõ chiến lược nào hiệu quả nhất, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc kìm nén cảm xúc không chỉ làm giảm hành vi biểu hiện cảm xúc tiêu cực, mà còn làm giảm hành vi biểu hiện cảm xúc tích cực.
Hơn nữa, việc kìm nén cảm xúc ít tác động đến những trải nghiệm tiêu cực. Nói cách khác, đánh giá lại tình huống có nhiều khả năng dẫn đến những kết quả mong muốn”, chuyên gia Phan Linh nhận định.
Theo chuyên gia này, việc giúp con quản trị cảm xúc đòi hỏi phụ huynh phải học cách quản trị cảm xúc của bản thân trước.
“Chuyển sự chú ý ra khỏi các tình huống kích thích cảm xúc có thể giúp kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Việc có chủ ý như đánh lạc hướng, tức là tập trung sự chú ý vào các khía cạnh phi cảm xúc, hoặc sự tập trung - chọn các hoạt động để thu hút sự chú ý khỏi các yếu tố kích hoạt, đều là những chiến lược thông minh”, nữ chuyên gia chia sẻ.