Cách giáo viên Đan Mạch kiểm tra tâm trạng của học sinh
Trong một lớp học ở vùng ngoại ô Copenhagen, Đan Mạch, để thu thập dữ liệu về tâm trạng nhằm cải thiện các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh, giáo viên đã sử dụng một ứng dụng công nghệ được tạo ra bởi một nền tảng kỹ thuật số.
Sử dụng công nghệ để kiểm tra tâm trạng của học sinh
Tại một lớp học dành cho học sinh lớp 5 ở vùng ngoại ô thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, trong khi học sinh đang ăn bánh sô cô la thì giáo viên của họ trình bày một đồ họa thông tin lên tấm bảng trắng. Đó là một biểu đồ được tạo ra bởi một nền tảng kỹ thuật số nhằm thu thập dữ liệu về tâm trạng để cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh.
Biểu đồ này được thiết kế sẽ hiển thị toàn bộ cảm xúc của học sinh trong lớp. Theo dữ liệu từ biểu đồ cho thấy lớp học trên có tâm trạng trung bình là 4,4/5 và học sinh đánh giá cao cuộc sống của gia đình mình. "Thật tuyệt!", giáo viên lớp học thốt lên và giơ hai ngón tay cái lên trời.
Vệ sinh giấc ngủ là việc xây dựng những thói quen lành mạnh hằng ngày nhằm giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon vào ban đêm và tinh thần thoải mái vào ban ngày.
Sau đó, giáo viên này chuyển sang phần đồ họa thông tin về vệ sinh giấc ngủ. Ở đây, dữ liệu cho thấy học sinh đang gặp khó khăn để có được giấc ngủ chất lượng. Do đó giáo viên yêu cầu các em cùng nghĩ cách để cải thiện thói quen ngủ của mình.
Sau khi thảo luận với nhau, học sinh cho rằng, để ngủ ngon thì cần hạn chế sử dụng thiết bị thông minh vào ban đêm, thiền trước khi ngủ và tắm nước nóng. Đồng thời, tất cả học sinh cũng đưa ra cam kết sẽ thực hiện những điều này trước khi ngủ và chia sẻ kết quả với giáo viên vào giờ học ăn bánh tuần tới.
Đầu tư công nghệ cho lĩnh vực giáo dục
Những phương pháp kiểm tra sức khỏe của học sinh dựa trên dữ liệu ngày càng trở nên phổ biến trong các lớp học ở Đan Mạch. Quốc gia này từ lâu đã dẫn đầu về dịch vụ trực tuyến và cơ sở hạ tầng, đồng thời được xếp hạng là đất nước phát triển kỹ thuật số nhất trong cuộc khảo sát về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Trong những năm gần đây, các trường học của Đan Mạch cũng đã nhận được khoản đầu tư lớn vào loại công nghệ này. Ước tính Chính phủ Đan Mạch đã phân bổ từ 4-8 triệu USD để mua sắm nền tảng kỹ thuật số cho các trường học vào năm 2018. Đến năm Đến năm 2021, họ đầu tư thêm khoảng 7 triệu USD.
Học tập tương tác là phương pháp học tập đề cao vai trò của sự tương tác giữa người học, người dạy và môi trường xung quanh. Thay vì chỉ ngồi im và tiếp nhận kiến thức từ giáo viên như trong các lớp học truyền thống, phương pháp này hướng đến sự chủ động của học sinh trong quá trình học tập.
Sở dĩ Chính phủ Đan Mạch chi mạnh tay cho những khoản đầu tư này là bởi theo truyền thống giáo dục Bắc Âu, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ luôn được ưu tiên và khuyến khích học tập tương tác.
Một số chuyên gia giáo dục của vùng Scandinavia (gồm ba quốc gia là Đan Mạch, Thụy Điển và Nauy) nhận định rằng, công nghệ có thể giúp thu hút học sinh trở thành những người tham gia học tập một cách vui tươi và năng động.
"Công nghệ là một cây bút chì và một bảng vẽ mở rộng. Đó là một công cụ giúp trẻ có cơ hội thể hiện bản thân", Mari-Ann Letnes, một nhà khoa học giáo dục ở Na Uy, cho hay.
Trong một báo cáo về việc sử dụng công nghệ trong trường học vào năm 2019, Bộ Giáo dục Đan Mạch tuyên bố: "Sự sáng tạo và thể hiện bản thân với công nghệ kỹ thuật số là một phần trong việc xây dựng động lực cũng như sự phát triển linh hoạt của học sinh".
Ứng dụng công nghệ có thể bảo vệ sức khỏe tâm thần của học sinh?
Hiện các giáo viên Đan Mạch hy vọng rằng công nghệ cũng có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh. Bởi học sinh Đan Mạch được cho là đang ở giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần.
Cụ thể, trong vài thập kỷ trở lại đây, số trẻ em và thanh thiếu niên Đan Mạch bị trầm cảm đã tăng gấp 6 lần. Trong đó, 1/4 học sinh lớp 9 cho biết các em đã cố gắng tự làm hại bản thân.
Trước tình trạng này, hơn 1.000 nhà tâm lý học tại các trường học ở Đan Mạch cảnh báo rằng, nếu không hành động ngay lập tức thì xu hướng tiêu cực này không còn hy vọng để xoay chuyển.
Để giúp giải quyết vấn đề sức khỏe của học sinh lớp 5, một số trường học ở Đan Mạch đã sử dụng các phần mềm công nghệ như Woof. Đây là phần mềm có khả năng khảo sát các chỉ số sức khỏe của học sinh và sử dụng các thuật toán để đề xuất các vấn đề cụ thể nhằm giúp học sinh tập trung học tập.
Hiện Woof đã được triển khai trong các lớp học ở hơn 600 trường học trên khắp Đan Mạch. Mathias Probst, người đồng sáng lập phần mềm này cho biết: "Cần có các công cụ để kiểm tra sức khỏe của học sinh. Woof có thể giúp giáo viên không cần nói chuyện với học sinh nhưng vẫn nắm bắt được tâm trạng của họ".
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại hoài nghi về cách tiếp cận này. Bởi họ cho rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy việc định lượng cảm xúc bằng phần mềm công nghệ có thể giải quyết được các vấn đề xã hội cũng như sức khỏe tâm lý của học sinh.
Ngoài ra, Jesper Balslev, nhà tư vấn nghiên cứu tại Trường Thiết kế và Công nghệ Copenhagen, lo ngại rằng việc Woof và các nền tảng khác đang được triển khai nhanh chóng mà không trải qua quá trình thử nghiệm sẽ khiến vấn đề càng trở nên tồi tệ.
Sự ra đời của phần mềm giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh
Được biết, Woof được phát triển bởi Mathias Probst và Amalie Danckert - những người nảy ra ý tưởng thành lập công ty sau khi làm giáo viên trường công tại Đan Mạch.
Probst và Danckert cho biết, khi làm việc tại các trường công, họ nhanh chóng nhận ra trường học ở các khu dân cư thu nhập thấp đang phải đối mặt với một vòng luẩn quẩn.
Theo đó, hoàn cảnh gia đình có thể khiến học sinh ở những trường này gặp khó khăn trong học tập. Cùng với đó, tỷ lệ luân chuyển nhân viên hành chính cao do căng thẳng và kiệt sức khiến một số giáo viên muốn chuyển sang làm việc ở những trường học ở khu vực khác.
Đối diện với tình trạng này, những bậc cha mẹ khá giả sẽ chuyển trường cho con. Do đó, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn và gặp vấn đề về tâm lý sẽ ở lại học tập cùng nhau. Điều này càng làm tăng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe mà học sinh Đan Mạch đang phải trải qua.
"Tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà lẽ ra có thể ngăn chặn được nếu hành động sớm hơn", Danckert - người từng làm ở bộ phận trẻ em và thanh thiếu niên của Cục Quản lý Dịch vụ Xã hội cho biết.
Danckert và Probst sau đó đã đặt ra mục tiêu xây dựng một phương pháp giúp các trường học quản lý những tình huống như vậy trước khi chúng biến thành vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Và Woof là giải pháp mà họ nghĩ ra.
Đây là một ứng dụng mà học sinh có thể truy cập trên máy tính hoặc điện thoại. Giao diện người dùng của Woof chủ yếu là hình chú chó hoạt hình. Công cụ này được thiết kế để hỏi học sinh nhiều câu hỏi khác nhau về cuộc sống của họ
Theo đó, Woof được sử dụng hàng tuần bằng cách yêu cầu học sinh đánh giá tâm trạng và các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ theo thang điểm từ 1-5. Kết quả này được cho là sẽ tạo nên một bức tranh toàn diện về phúc lợi trẻ em trong lớp học đó theo thời gian.
Giáo viên và nhân viên hành chính sau đó có thể nắm bắt được các kết quả sau của học sinh: vệ sinh giấc ngủ, hoạt động xã hội, kết quả học tập và hoạt động thể chất ảnh hưởng đến tâm trạng đó như thế nào. Từ đó, giáo viên và học sinh sẽ học sinh cùng nhau xem xét dữ liệu và giúp đỡ nhau cải thiện kết quả.
Theo Danckert, dữ liệu của Woof được ẩn danh nhằm bảo đảm tính pháp lý về bảo mật dữ liệu. Ứng dụng này sẽ báo cáo về điểm trung bình của lớp thay vì từng cá nhân học sinh.
Bên cạnh đó, Probst cũng cho rằng việc thu thập dữ liệu của từng học sinh sẽ khiến chúng cảm thấy mặc cảm hơn.
Những ý kiến trái chiều
Theo dữ liệu của beta, 80% lớp học sử dụng Woof trước khi phần mềm này được ra mắt chính thức vào mùa thu năm 2022 nhận thấy tâm trạng của học sinh được cải thiện trung bình 0,35 điểm trên thang điểm 1-5 trong vòng 1 tháng.
Woof khẳng định rằng, nền tảng này không nhằm mục đích thay thế mối liên hệ giữa giáo viên và học sinh. Đúng hơn, nó nên được hiểu là một công cụ hỗ trợ cho giáo viên cung cấp các kế hoạch hành động và phản hồi có cấu trúc.
Nhưng một số chuyên gia nghi ngờ liệu phương pháp của Woof có hiệu quả hay không bởi họ đặc biệt hoài nghi về bản chất tự báo cáo của dữ liệu nền tảng.
Theo nhà tư vấn nghiên cứu Balslev, các ứng dụng công nghệ vào giáo dục chưa chứng minh được rằng chúng hoạt động tốt hơn con người, chẳng hạn như việc giáo viên khuyên học sinh nên tắt máy tính và hỏi xem đêm qua chúng ngủ thế nào cũng là cách hữu ích để cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh.
Ông lấy ví dụ về nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2015 cho thấy việc số hóa trong trường học ở nhiều quốc gia đã làm trầm trọng thêm một loạt vấn đề, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của học sinh.
Vậy nên Balslev cho rằng cần thận trọng khi xem dữ liệu sức khỏe tự báo cáo bởi học sinh có thể cung cấp thông tin không trung thực.
Lập luận quan điểm của Balslev, hai nhà sáng lập Woof cho rằng, cách tiếp cận ẩn danh của phần mềm này sẽ tạo niềm tin và thúc đẩy việc học sinh tiết lộ một cách xác thực.
"Nhiều sinh viên đến từ các khu vực thu nhập thấp rất ý thức về việc có được giấu tên hay không. Và họ rất ý thức về những gì được tiết lộ về cuộc sống gia đình của mình," Danckert nói.
Nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần được đưa vào trường học
Woof không phải là nền tảng chăm sóc sức khỏe tâm thần duy nhất xâm nhập vào các trường học ở Đan Mạch. Các nền tảng như Bloomsights , Moods và Klassetrivsel cũng đang nhận được sự chú ý.
Những phương pháp này đều sử dụng cách tiếp cận sử dụng nhiều dữ liệu hơn và ít ẩn danh hơn Woof để theo dõi cũng như xác định tâm trạng của từng học sinh. Bloomsights và Klassetrivsel thậm chí còn tiến xa hơn khi tạo ra các biểu đồ xã hội học - sơ đồ mạng hiển thị chi tiết mối quan hệ của học sinh với nhau.
Theo nhà sáng lập Rockenbach, những biểu đồ này là công cụ quan trọng để phát hiện sự cô lập xã hội, thậm chí có thể giúp xác định những học sinh dễ bị bắt nạt.
Bloomsights biến dữ liệu từ báo cáo của cùng một cá nhân theo thời gian thành các chỉ số bao gồm: dấu hiệu của sự cô đơn, tư duy học thuật và dấu hiệu bắt nạt. Bloomsights cũng được sử dụng ở Mỹ như một phần của hệ thống cảnh báo sớm để xác định những kẻ xả súng tiềm năng trong trường học.
Người đồng sáng lập Adam Rockenbach cho biết Bloomsights có thể giúp ích trong những tình huống mà biểu hiện khác thường của học sinh không rõ ràng. Ông cũng tin rằng, dữ liệu ẩn danh chỉ khiến việc can thiệp sớm trở nên khó khăn hơn vì nó tạo ra nhiều công việc hơn cho giáo viên trong việc cố gắng xác định học sinh nào đang gặp vấn đề và cần trợ giúp. Vì lý do này, ông cho rằng việc thu thập dữ liệu cá nhân là điều cần thiết.
Mặt khác, một số giáo viên lại thắc mắc những ứng dụng công nghệ này thực sự hữu ích đến mức nào và liệu có vi phạm đạo đức hay không. Naya Marie Nord, giáo viên tại một trường ngoại ô Copenhagen sử dụng Bloomsights, cho biết: "Trẻ em cần có quyền riêng tư và có những vấn đề chúng không nhất thiết phải tiết lộ qua phần mềm. Với tư cách là một giáo viên, tôi hiểu rõ cảm giác của học trò. Nhưng tôi muốn trò chuyện chia sẻ một cách bí mật giữa tôi và học sinh hơn là việc thông qua máy tính".
Thêm vào đó, giáo viên Nord cũng lo ngại về việc có bao nhiêu giáo viên không làm việc trực tiếp với học sinh nhưng vẫn có quyền truy cập vào dữ liệu của chúng. Do đó cô cho rằng, ứng dụng này có thể vượt qua các ranh giới đạo đức vì làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của học sinh.
Ở Đan Mạch, cha mẹ có thể chọn không tham gia nếu họ không muốn dữ liệu về con mình được thu thập thông qua các ứng dụng này. Tuy nhiên, việc từ chối không sử dụng nền tảng này không phải lúc nào cũng đơn giản.
Henriette Viskum, giáo viên lớp 5, mô tả các bài học Woof là một phần trong chương trình giảng dạy cốt lõi của lớp cô, giống như môn Toán, và nói rằng phụ huynh cần nói chuyện với giáo viên để rút con họ ra khỏi chương trình.
Viskum nói: "Nếu đó là một vấn đề lớn, chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp và sau đó học sinh không cần phải tham gia. Nhưng sau đó, với tư cách là một giáo viên, tôi sẽ đặt một dấu hỏi lớn xung quanh lý do tại sao phụ huynh lại phản đối mạnh mẽ về việc kiểm tra các chỉ số hạnh phúc của con mình".
Sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh cũng có thể làm cho mức độ ẩn danh trở nên mờ nhạt. Viskum cho rằng, nếu gần như cả lớp đánh giá cao về cuộc sống gia đình và có một học sinh thì không, thì bằng trực giác của một giáo viên, cô có thể cảm nhận được đó là học sinh nào và có thể cố gắng giúp đỡ em từng bước.
Song, Vallgarda nhà nghiên cứu của Đại học Copenhagen cho rằng, thay vì đầu tư vào các công cụ định lượng sức khỏe tâm thần của học sinh thì các trường học nên ưu tiên thuê và nỗ lực đào tạo các chuyên gia như giáo viên và cố vấn tâm lý học học đường.
Nhưng nền tảng kỹ thuật số rẻ hơn đáng kể so với việc thuê hoặc đào tạo thêm người. Viskum, giáo viên lớp 5, chỉ ra rằng ngân sách eo hẹp và danh sách chờ đợi các cuộc hẹn với nhà tâm lý học ở trường dài hàng dặm. Do đó, sự hấp dẫn của công nghệ giáo dục là điều dễ hiểu, ngay cả khi có rất ít kết quả chứng minh điều đó.
Nguồn: MIT Techonology Review