Cách hay 'giữ chân' người lao động
Trước cơn khát lao động hiện nay, nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vẫn không lo thiếu lao động do có cách giữ chân công nhân rất độc đáo.
Chia sẻ về cách "giữ chân" nhân viên, Chủ tịch HÐQT Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông nói: "Tôi cho nhân viên được vay một tỷ đồng để mua nhà, lãi suất 0% trong suốt 10 năm. Từ năm thứ sáu trở đi, nhân viên bắt đầu trả tiền, trừ trực tiếp vào lương hằng tháng". Ðây là chính sách khá hiếm và được áp dụng xem xét cho những nhân viên và quản lý thâm niên từ 10 năm trở lên, có nhiều thành tích, đóng góp tích cực cho doanh nghiệp. Ông Thông cho biết thêm, đây không phải lần đầu công ty thực hiện chính sách này. Năm 2017, một số nhân viên, quản lý làm việc tại doanh nghiệp cũng được vay tiền mua nhà. "Khi đó, chúng tôi tính toán một tỷ đồng là đủ để họ đặt cọc cho một căn chung cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Ðây sẽ là món quà ý nghĩa trong quá trình nhân viên nỗ lực cùng công ty. Khi công ty kinh doanh tốt, tôi muốn chia sẻ niềm vui này cùng nhân viên. Sau lần đầu triển khai chương trình năm 2017, các năm từ 2018 đến 2020 chúng tôi gặp nhiều khó khăn, do đó phải đến năm nay, khi lợi nhuận tăng gấp ba lần năm ngoái, tôi mới quyết định tiếp tục chương trình này", ông Thông bộc bạch.
Trong khi nhiều doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm lao động thì Công ty VNF (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân), doanh nghiệp chuyên may gia công thời trang nữ xuất khẩu lại hầu như không tuyển dụng vì các bộ phận đều đã đủ lao động. Giám đốc Lê Thị Mỹ Châu tiết lộ: "Hiện tại doanh nghiệp đã hồi phục 100%, đơn hàng kín đến hết năm, nhưng may mắn công ty không thiếu lao động. Bí quyết là chúng tôi luôn ưu tiên về con người. Chính vì vậy, cho nên từ khi có dịch bệnh đến lúc thành phố mở cửa trở lại, chưa một công nhân nào rời công ty về quê". Cụ thể, khi thành phố yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ, 1 cung đường - 2 điểm đến", điều công nhân quan tâm nhất chính là nơi ăn, chốn ở, ổn định gia đình để yên tâm sản xuất. Nắm bắt điều đó, doanh nghiệp đã liên hệ với các khu nhà trọ nơi có công nhân của công ty đang sinh sống để chi trả tiền thuê trọ; có xe đưa đón công nhân để yên tâm phòng dịch. "Chúng tôi còn liên kết với ngân hàng cho vay tiền, mỗi gia đình được vay 20 triệu đồng. Khi sản xuất trở lại, công ty sẽ trích một phần tiền lương để trả ngân hàng bằng cách chia nhỏ từ hai đến ba năm, đổi lại công nhân cam kết làm việc với công ty lâu dài. Làm như vậy vừa có tác dụng hỗ trợ vừa gắn kết, giữ chân người lao động hiệu quả", bà Châu nói. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng điều chỉnh chế độ lương, thưởng hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây. So với cùng kỳ, mức lương bình quân tăng nhẹ, trong đó, lao động phổ thông tăng từ 6% đến 8% và dự báo có xu hướng đi lên trong thời gian tới. Ngoài việc tăng lương định kỳ hằng năm, để giữ chân lao động, Công ty Thiên Niên Kỷ (thành phố Thủ Ðức) còn thưởng tiền năng suất cho công nhân căn cứ vào sản lượng đạt được. "Tăng tiền năng suất là tiền ngoài lương, nhằm ghi nhận cống hiến cũng như khuyến khích công nhân, người lao động hăng say sáng tạo, làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Việc thay đổi này có nguyên nhân là giá cả các mặt hàng gần đây đều tăng giá; do đó, chúng tôi thay đổi chính sách lương, thưởng phù hợp nhằm hỗ trợ đời sống công nhân, cũng như tránh tâm lý muốn nhảy việc khi người lao động thấy chế độ đãi ngộ của công ty khác tốt hơn" - Giám đốc nhân sự Công ty Thiên Niên Kỷ Ðào Thu Trang nhìn nhận.
Ngoài ra, làm thế nào để công nhân yên tâm ở lại thành phố, thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trăn trở của chính quyền địa phương. Do đó, vừa qua, tại Nhà văn hóa Lao động quận 6, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) quận 6, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức chương trình bán hàng bình ổn giá, bày bán các mặt hàng đa dạng từ quần áo, thực phẩm, nhu yếu phẩm... được giảm giá đến 50%. "LÐLÐ quận 6 sẽ phối hợp các doanh nghiệp có uy tín cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho đoàn viên, lao động với giá ưu đãi từ 25% đến 50%. Việc bán hàng sẽ linh động với nhiều hình thức như tổ chức tập trung quy mô lớn vào các dịp lễ, Tết, Tháng công nhân, bán lưu động tại doanh nghiệp có đông công nhân", Phó Chủ tịch LÐLÐ quận 6 Tô Thị Ngọc Thủy cho biết. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong năm 2022 với 21 quận, huyện đoàn và Thành đoàn thành phố Thủ Ðức để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho thanh niên công nhân. Với nhiều hoạt động sẽ tiếp tục triển khai như: trao căn phòng mơ ước cho gia đình thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ; tổ chức chương trình "Tiếp sức người lao động", giới thiệu phòng trọ và việc làm cho thanh niên công nhân, người lao động quay lại thành phố làm việc. Ðặc biệt, "Chuyến xe cuối tuần" sẽ mang chợ đến gần nhà, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm, rau củ quả sạch đến công nhân các khu lưu trú, khu nhà trọ với giá phải chăng…
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm, dịch Covid-19 kéo dài trong suốt năm qua phần nào đã tác động đến tâm lý chung của người lao động, doanh nghiệp. Dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống và cả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, ngay sau khi dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc tái thiết, phục hồi sản xuất, kinh doanh. "Hiện tại không ít doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí đến hết tháng 8/2022; đồng thời, triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ðể ổn định và tăng tốc sản xuất, các doanh nghiệp cần triển khai nhiều chương trình phúc lợi cho người lao động; thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tăng lương, thưởng để thu hút và giữ chân người lao động", Phó Giám đốc Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Bài và ảnh: PHƯƠNG VY
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/cach-hay-giu-chan-nguoi-lao-dong-691961/