Cách học tiếng Anh của cô gái Việt vừa đạt 9.0 IELTS
Mới đây, Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh đã đạt 9.0 IELTS overall, trở thành một trong số ít người tại Việt Nam đạt được điểm số tuyệt đối của chứng chỉ này.
Ngọc Quỳnh (sinh năm 1988, Hà Nội) vừa nhận kết quả đạt 9.0 IELTS, trong đó 3 kỹ năng Listening, Reading và Speaking đạt điểm tuyệt đối 9.0, kỹ năng Writing đạt 8.0.
Trước đó khoảng 2,5 năm, Ngọc Quỳnh đạt 8.5 IELTS. Chị thi lần này do bằng đã hết hạn và cũng muốn thử sức lại với kỳ thi.
“Mình đã áng chừng đạt được điểm số này nên rất vui nhưng cũng không quá ngạc nhiên khi nhận kết quả. Mình không phải là người ôn thi kiểu truyền thống mà là một quá trình lâu dài nên cứ thế đi thi” - Ngọc Quỳnh nói.
Ngọc Quỳnh là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2010, khi là sinh viên năm cuối, cô gái Ngọc Quỳnh đã là một trong 6 người trên thế giới được học bổng thực tập sinh toàn phần cho tổ chức Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ).
Trong thời gian làm việc tại nước ngoài, chị luôn ấp ủ làm sao để giúp các bạn trẻ Việt Nam học tốt Tiếng Anh vì nhận thấy nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận những lớp học chất lượng tốt. Vì thế, đầu năm 2018, chị trở về nước sau 8 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài với mục đích chia sẻ, làm động lực hỗ trợ các bạn trẻ học Tiếng Anh.
“Khi đi dạy, tôi xác định vừa chia sẻ kiến thức nhưng cũng coi như một hình thức tự học, tự rút kinh nghiệm cho bản thân” - Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Năm 2020, với mong muốn học cao hơn, chị Quỳnh đăng ký thi IELTS và đạt được 8.5. Nhờ đó, chị đã nhận được học bổng toàn phần Chevening bậc Thạc sĩ của Chính phủ Anh và tốt nghiệp xuất sắc ngành Phát triển xã hội tại University College London (Anh) - top 8 trường đại học danh giá nhất thế giới.
Trong khoảng 8 năm làm việc tại nước ngoài và sử dụng Tiếng Anh thường xuyên, Ngọc Quỳnh cho biết mình đã tích lũy được rất nhiều kiến thức về ngôn ngữ. Theo Quỳnh, bài thi IELTS đề cập đến nhiều chủ đề, lĩnh vực và đòi hỏi người dự thi phải có kiến thức rộng. Vì vậy, để làm tốt bài thi IELTS nói chung, Quỳnh chia sẻ rằng cần phải đọc nhiều tài liệu học thuật, các bài báo và cập nhật thông tin trong cuộc sống.
“Mình nhận thấy qua quá trình đi học, đi làm ở nước ngoài, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của mình sâu sắc hơn, vốn hiểu biết về các chủ đề và tiếng Anh học thuật cũng trở nên phong phú hơn. Vì thế mình có kiến thức nền khá tốt, khi đi thi sẽ không bị bất ngờ trước các chủ đề đa dạng của IELTS” - Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Quỳnh nhận thấy rằng nhiều các bạn học sinh thi IELTS tại Việt Nam đều đang có cách học Tiếng Anh nói chung và ôn thi IELTS nói riêng khá truyền thống. “ Các bạn khá chú trọng đến các mẹo làm bài, các công thức luyện thi và áp dụng một cách máy móc, ít rèn luyện tư duy” - Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Chính vì thế, theo Quỳnh, các thí sinh thường xuyên gặp tình trạng “bí” ý tưởng và khó phát triển được các ý trong bài, đặc biệt đối với 2 kỹ năng Writing và Speaking. Để cải thiện 2 kĩ năng này, theo Quỳnh, nên học cách tư duy ý tưởng để trình bày bài nói, viết được mạch lạc, rõ ràng.
“Việc học là phải tư duy, chứ không nên áp dụng công thức vì sẽ khiến suy nghĩ bị bó hẹp. Ngoài từ vựng và ngữ pháp, việc có ý tưởng tốt và triển khai sâu là 1 điểm cộng lớn trong bài thi. Điều này đặc biệt khó khi thời gian bài Viết là rất ngắn” - Quỳnh nói.
Riêng đối với kỹ năng Speaking, Quỳnh cho biết phải chú ý đến việc phát âm chuẩn vì đây là tiêu chí chấm điểm quan trọng. Thêm vào đó, việc phát âm tốt sẽ gây ấn tượng cho giám khảo ngay từ đầu. “Phát âm là tiêu chí cơ bản mà rất nhiều thí sinh bỏ qua. Nhiều thí sinh khi nói thường bỏ qua âm đuôi, âm gió, không phân biệt âm ngắn, dài… gây hạn chế rất nhiều cho bài Nói” - Quỳnh nói.
Đối với kỹ năng Reading, Quỳnh cho biết không nên lạm dụng các kĩ thuật Scanning, Skimming và gạch keywords (từ khóa). Theo chị, cách làm bài tốt nhất vẫn là đọc toàn bộ bài, cố gắng nắm bắt được nội dung chính của toàn bài cũng như nội dung của từng đoạn. “Đề thi IELTS ngày càng khó và việc gạch keywords sẽ khiến thí sinh mắc bẫy, không hiểu ý mà tác giả muốn truyền đạt” - Quỳnh nói.
Ngoài ra, đối với dạng bài True - False và Yes - No, Quỳnh cho biết 2 dạng này thường khiến thí sinh nhầm lẫn. “True-False là thứ được ghi rõ ở trong bài, trong khi Yes-No sẽ thường thiên về quan điểm, ý kiến của tác giả. Mình phải đánh giá được xem tác giả có thái độ như thế nào về một vấn đề".
Ngược lại, Đối với kỹ năng Listening, Ngọc Quỳnh khá ủng hộ việc sử dụng các nghe keywords. Theo Quỳnh, bài thi Listening khá nhanh, chỉ được nghe 1 lần nên cần phải tận dụng thời gian chuẩn bị để nắm được bài nói sẽ nói gì và xác định các keywords chính. “Đầu tiên mình cần phải đọc đề trước, sau đó gạch chân các từ chính. Khi nghe cần tập trung vào các từ khóa và tránh các bẫy paraphrase (diễn đạt theo cách khác)” - Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm.