Cách hữu hiệu vượt qua cơn lười biếng, lấy lại động lực làm việc
Việc thiếu động lực khiến bạn không thể làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa. Nó cản trở bạn hoàn thành mục tiêu của mình.
May mắn là bạn vẫn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ các nhóm chuyên nghiệp. Ở cạnh những người tích cực sẽ giúp bạn khám phá niềm đam mê của mình và mang lại cho bạn động lực để tích cực tham gia vào những việc hiệu quả.
Nhưng trước tiên, bạn cần xem xét một số lý do khiến mình trở nên lười biếng hoặc mất động lực.
Không có mục tiêu hoặc mục đích rõ ràng
Những suy nghĩ và ý tưởng tự phát là tốt. Tuy nhiên, sẽ hữu ích nếu bạn có mục đích rõ ràng trong cuộc sống. Khi bạn không tìm thấy sự thỏa mãn trong những việc mình làm, bạn có thể mất động lực.
Tình huống này giống như đi xuyên rừng mà không có bản đồ. Bạn hoặc bị lạc hoặc đến một điểm không mong muốn.
Mất tầm nhìn
Bạn có thể đã phát triển mục tiêu từ rất sớm, thậm chí đã thực hiện các bước để đạt được những mục tiêu đó. Nhưng không phải kế hoạch nào cũng thành công. Khi điều này xảy ra, bạn có thể cảm thấy mình lãng phí cả thời gian lẫn công sức.
Tập trung vào quá nhiều thứ
Có quá nhiều việc đang diễn ra cùng lúc cũng có thể khiến bạn mất đi động lực. Nói cách khác, ôm đồm quá nhiều sẽ trở thành phiền nhiễu ảnh hưởng đến các kế hoạch quan trọng của bạn.
Dĩ nhiên, giữ cho bản thân bận rộn và làm việc hiệu quả là điều tốt nhưng việc cố gắng hoàn thành quá nhiều thứ cùng một lúc sẽ khiến tâm trí bạn quá tải.
Giống như khi vào rừng, bạn chuẩn bị quá nhiều thứ đến mức hành lý trở thành gánh nặng. Cuối cùng, bạn phải bỏ cuộc vì không thể xách thêm thứ gì được nữa.
Mục tiêu quá lớn
Mục tiêu của một người đôi khi vượt quá so với khả năng của họ. Ước mơ lớn là điều tốt, nhưng nó có thể gây bất lợi nếu đôi chân của bạn không trụ vững trên mặt đất.
Không chú ý đến sức khỏe tâm thần
Nhiều người không xem xét khả năng họ có thể mắc bệnh tâm thần. Ví dụ, một số người dễ dàng coi trầm cảm chỉ là vấn đề nhỏ, giống như cảm lạnh thông thường. Nhưng những người mắc phải bệnh này mới biết bản thân mình suy nhược đến nhường nào.
Thậm chí một số người mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng cảm thấy khó có được niềm vui hoặc động lực trong cuộc sống. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng.
Dưới đây là 5 cách giúp bạn khắc phục sự lười biếng, từ đó tìm kiếm động lực mới:
Tạo mục tiêu có thể quản lý
Điều cần thiết là bạn phải theo dõi và giám sát sự tiến bộ của bản thân. Để làm như vậy, bạn nên tạo ra các mục tiêu có thể đo lường và đạt được chúng một cách thực tế.
Bằng cách tạo ra các mục tiêu có thể quản lý được, bạn không cần phải cố gắng quá sức và có thể dành đủ thời gian để đạt được những mục tiêu đó.
Ví dụ, việc tiết kiệm 3 triệu đồng mỗi tháng là một mục tiêu thực tế và khả thi hơn so với việc ao ước trở thành triệu phú.
Sử dụng sức mạnh của bản thân
Sẽ dễ dàng hoàn thành một nhiệm vụ hơn khi bạn có những kỹ năng và thế mạnh phù hợp với nhiệm vụ đó.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng những điểm mạnh để thực hiện công việc sẽ cải thiện hiệu suất và sức khỏe của bạn.
Bạn có thể học những kỹ năng mới và trở nên thuần thục, chẳng hạn như diễn xuất. Nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm về sân khấu hoặc điện ảnh, bạn sẽ có nhiều cơ hội trở thành diễn viên hơn so với khi bạn chưa bắt đầu.
Học cách nhận ra điểm mạnh của mình để bạn có thể xác định tốt hơn cách lập kế hoạch và hoàn thành mục tiêu, từ đó trở thành động lực.
Yêu cầu người khác giúp đỡ
Bạn không cần phải đơn độc trên hành trình hướng tới việc trở nên có động lực hơn và tham gia tích cực hơn vào mục tiêu của mình.
Nếu bạn đang đi trong rừng và nhận thấy cái túi mình đang đeo quá nặng, bạn có thể l yêu cầu giúp đỡ. Điều này giúp gánh nặng trên vai bạn nhẹ đi phần nào.
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục
Sự lười biếng về tinh thần và thiếu động lực cũng có thể do một vấn đề đơn giản gây ra: không tập thể dục và bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bạn nên cân nhắc việc ăn thực phẩm lành mạnh giàu protein, chẳng hạn như rau xanh và cá béo. Nghiên cứu cũng gợi ý nên ăn quả mọng, quả óc chó, uống cà phê hoặc trà mỗi ngày.
Tự thưởng
Đôi khi, bạn nên tự thưởng cho mình sau khi hoàn thành tốt công việc, đơn giản như mua đồ ăn hoặc mua chiếc điện thoại mới.
Nếu bạn có mục tiêu và chuẩn bị kế hoạch để đạt được mục tiêu đó thì bản thân những phần thưởng chính là một loại động lực.
Tự thưởng cho bản thân chính là động lực nội tại, nó có tác động mạnh hơn động lực bên ngoài. Ngoài ra, chơi một môn thể thao để giải trí, học một ngôn ngữ mới hoặc giúp đỡ người khác thông qua các hoạt động từ thiện đều có thể là những phần thưởng nội tại.
Theo paintedbrain.org